Xét tuyển ÐH: Gần 50% thí sinh điều chỉnh nguyện vọng
Thống kê của Bộ GD&ÐT đến hết ngày 28.7 (ngày cuối cùng điều chỉnh nguyện vọng), cả nước có hơn 304.000/688.466 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ÐH theo một trong hai hình thức online hoặc offline, chiếm gần 50% thí sinh đăng ký xét tuyển ÐH trên cả nước.
Thí sinh đã kết thúc 10 ngày điều chỉnh hồ sơ. Ảnh: Nghiêm Huê.
Sau 10 ngày điều chỉnh nguyện vọng (từ 19.7 đến 17h ngày 28.7) cả nước có 230.435 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng theo hình thức online (trực tuyến); có 74.059 thí sinh điều chỉnh theo hình thức offline (điều chỉnh trực tiếp bằng phiếu). Như vậy tổng số thí sinh điều chỉnh bằng hai hình thức là 304.494 thí sinh (chiếm 46,48% tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH bằng kết quả thi THPT quốc gia), giảm 2,61% so với năm 2017. Cũng trong số thí sinh điều chỉnh nguyện vọng thì có 113 thí sinh điều chỉnh khu vực ưu tiên và 86 thí sinh điều chỉnh đối tượng ưu tiên.
Sư phạm: mục tiêu nâng cao chất lượng
Năm nay, riêng khối ngành sư phạm, Bộ GD&ĐT quy định điểm sàn. Đề thi THPT quốc gia năm nay được đánh giá khó hơn năm 2017 nhưng đối với hệ ĐH, điểm sàn được Bộ quy định cao hơn năm trước 2 điểm (17 điểm). Mục tiêu của Bộ là nâng cao chất lượng đầu vào sư phạm. Vì năm trước, tuy Bộ quy định điểm sàn là 15 nhưng bằng cách tính này hay cách tính khác, có một số trường đã “hạ sàn” so với quy định.
Trao đổi về quy định của năm nay, ông Đinh Xuân Khoa, hiệu trưởng trường ĐH Vinh cho rằng mặc dù do đặc thù vùng miền và các trường cũng có khó khăn trong tuyển sinh, như ĐH Vinh, với mức điểm sàn 17, trường sẽ chỉ tuyển được khoảng 80% chỉ tiêu sư phạm. Tuy nhiên, Bộ và các trường sư phạm thống nhất cao, không phải tuyển bằng hết chỉ tiêu và vấn đề là chất lượng, là tổ chức đào tạo để giáo viên đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo sau này, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Ông Khoa cũng khẳng định, do chỉ tiêu tuyển sinh các trường sư phạm gắn liền với nguồn ngân sách hỗ trợ, nên chỉ tiêu giảm thì các trường sư phạm sẽ gặp nhiều khó khăn. “Tuy nhiên, chúng ta phải khắc phục khó khăn ấy vì tương lai lâu dài của giáo dục đất nước. Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo, thay cho việc tuyển mới thì chúng ta phải đầu tư vào đào tạo bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới” - ông Đinh Xuân Khoa chia sẻ.
Ông cho biết ĐH Vinh từ lâu từng bước đa ngành hóa trong quá trình đào tạo. Hiện nay, tổng chỉ tiêu sư phạm của đại học Vinh chỉ khoảng 15% chỉ tiêu toàn trường. Nên với ĐH Vinh, trường đã chuẩn bị cho việc giảm số lượng thí sinh sư phạm mà vẫn đảm bảo công ăn việc làm cho cán bộ.
Ông Hoàng Văn Dương, hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Lào Cai cũng cho hay điểm sàn năm 2016, 2017 của trường chỉ tầm trên 10 điểm. Tuy nhiên trong quá trình tuyển sinh, trường đã phân tích phổ điểm của các học sinh đăng ký vào trường và thấy tỷ lệ học sinh có điểm từ 10 cho đến 11, 12 không nhiều. Số học sinh có mức điểm từ 13 - 17 điểm chiếm tỷ lệ đa số. Có những em điểm rất cao trên 20 điểm cũng đã đăng ký vào trường. Bởi vậy năm nay Bộ đặt ra ngưỡng điểm sàn với CĐ 15 điểm, trường CĐ Sư phạm Lào Cai cho rằng không cao, hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế. “Chúng tôi cũng phân tích dữ liệu trên 100 em đăng ký nguyện vọng 1 vào trường CĐSP Lào Cai năm nay cho thấy, phổ điểm của 4 môn Văn, Toán, Lịch sử và địa lý xấp xỉ 20 điểm, như vậy bình quân mỗi môn gần 5 điểm” - ông Dương cung cấp thêm thông tin.
Theo ông Hoàng Văn Dương, chỉ tiêu năm nay của trường giảm nhiều so với năm trước. Năm 2017 được Bộ giao trên 400 chỉ tiêu, năm nay Bộ căn cứ vào nhu cầu địa phương và giao trường 250 chỉ tiêu.
“Chúng tôi suy nghĩ, việc không chạy theo chỉ tiêu để nâng cao chất lượng là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta đã thực hiện xong phổ cập giáo dục bắt buộc, tức hết THCS, chúng ta đang thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, để đảm bảo chất lượng đào tạo, chúng ta phải có đội ngũ giáo viên tốt. Nếu đội ngũ không tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục đào tạo và khó khăn trong triển khai chương trình phổ thông mới” - ông Dương nói.
Đứng từ góc độ quản lý cấp Bộ, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng thực sự thì không nhiều thí sinh điểm cao lựa chọn vào sư phạm như chúng ta kỳ vọng, nhưng cũng không ít em vẫn tâm huyết lựa chọn nghề này. Năm 2017 có 23 lượt ngành đào tạo sư phạm có điểm trúng tuyển từ 25 trở lên, trong đó có nhiều em đạt 29, 30 điểm.
“Tuy nhiên, đúng là do nhiều nguyên nhân như việc làm, thu nhập, khả năng chuyển đổi nghề thấp, áp lực công việc do kỳ vọng của xã hội cao… mà sư phạm vẫn chưa thể trở thành ngành hấp dẫn như chúng ta mong muốn” - bà Phụng nói. Chính vì vậy mà Bộ GD&ĐT, các địa phương cũng như Chính phủ đang tìm các giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.
Theo thống kê của Bộ GD&ÐT, riêng với nhóm ngành đào tạo giáo viên, cả nước có 128.248 nguyện vọng trước khi điều chỉnh. Trong đó, nguyện vọng 1 là 43.768. Tổng nguyện vọng sư phạm sau 10 ngày điều chỉnh 125.269, trong đó nguyện vọng 1 là 43.928. Như vậy, nguyện vọng 1 vào sư phạm sau 10 ngày điều chỉnh tăng thêm khoảng 200, nhưng giảm hơn 3 nghìn ở các nguyện vọng khác.
Theo NGHIÊM HUÊ (tp)