Hạt bụi - phận người
10 truyện ngắn trong Nước mắt hạt bụi của nhà văn Quế Hương (NXB Trẻ, 2018) mỗi truyện có những nét riêng, nhưng tựu trung đều đề cập đến những thân phận người, mà đôi khi họ đã quên mất chính mình. Cách quan sát chậm rãi và tinh tế đã níu người đọc ở lại sâu hơn với những cảm nhận của tác giả.
Nhân vật trong tập truyện có khi là một họa sĩ đã từng thành công, bán hàng loạt bức tranh với giá kỷ lục, nhưng cũng vì đó mà mất cả gia đình, con cái. Hóa điên rồi tỉnh, lang thang qua những đền đài Huế để rồi ông bắt gặp một cô gái bước ra từ hồn phách cũ trong cung điện, những nỗi buồn gặp nhau. Ông ráng nắm bắt và vẽ cho được hình bóng đó, khi tác phẩm hoàn thành cũng là lúc ông lìa xa cõi đời, hóa thành cát bụi trần ai.
Hoặc là bà cụ bị bệnh tiểu đường sắp lìa đời trong “Đãi kiến một bữa”, thèm thuồng món ăn quê: đường bát đen. Hình ảnh cái chết của bà cụ khi trong miệng ngậm cục đường xưa để kiến bu thành đường dài lấp luôn cả miệng khiến người đọc ám ảnh về cái kết của kiếp người.
Có đến 4 truyện trong Nước mắt hạt bụi xuất hiện tuýp nhân vật không tỉnh táo trong đời thường nhưng rành mạch về ký ức, đây là chìa khóa đánh thức mầm sống trong họ. Người điên là một hình ảnh đối lập, phản kháng lại cuộc sống họ không muốn nghĩ đến và chạm đến. Trong “Ngã ba trần ai”, nhân vật là một nhà văn lặng lẽ nhớ về xóm trọ đầy đủ các thành phần của xã hội. Tuy ồn ào hỗn tạp nhưng đó lại là nơi ông cảm thấy hiểu và xót cuộc đời nhiều đến vậy. Họ như những hạt bụi mỏng manh và lửng lơ trước kiếp sống không thấy ngày mai của mình.
Hạt bụi vốn dĩ đã nhỏ bé, vô thường. Nước mắt hạt bụi lại càng nhỏ bé, lạc lõng nhưng lại thấm đẫm phận người. Những truyện ngắn trong tác phẩm thường buồn và có kết thúc buồn, buồn cả trong cách kể chuyện nhẩn nha chậm rãi, nhưng cũng vì thế mà nó làm người ta sống chậm hơn một chút, để cảm nhận từ tốn về mình và những người xung quanh mình.
NGUYỄN ĐẶNG THÙY TRANG