Trẻ và nguy cơ trên mạng
Khác các thế hệ trước, những đứa trẻ chào đời từ đầu những năm 2000 lớn lên trong môi trường đầy những thiết bị số, màn hình cảm ứng, kết nối không dây. Thế giới rộng lớn, tràn ngập thông tin mở ra với trẻ sau mỗi cú nhấp chuột, cái chạm của đầu ngón tay. Cùng với đó là những nguy cơ mà bản thân trẻ và gia đình chưa nhận thức hết được.
Hình ảnh những em nhỏ cầm chặt điện thoại thông minh, máy tính bảng, chăm chú nhìn, ngón tay rê trên màn hình cảm ứng có lẽ không còn xa lạ. Khi hành vi này diễn ra với mức độ dày đặc, không được kiểm soát các chuyên gia sức khỏe, giáo dục, tâm lý đã cảnh báo về rất nhiều các nguy cơ.
Nguy cơ tiềm ẩn
12 tuổi, em Nguyễn Thị Diệu T. (ở huyện Tuy Phước) đã có một tài khoản mạng xã hội facebook. Cô bé thường xuyên chia sẻ các hình ảnh của mình với bạn bè, gia đình lên mạng. Mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát cho đến khi T. bị một nhóm bạn xấu mang ngoại hình của em ra để trêu chọc. Những dòng bình luận ác ý làm T. khủng hoảng thật sự. Dành thời gian để đọc đi đọc lại những bình luận, chê bai ấy, cô bé ngày một cảm thấy ghét vẻ ngoài của bản thân, thấy tự ti. T. trầm cảm một thời gian dài, sợ hãi trước việc phải đến trường, đến chỗ đông người. Chuyện chỉ ổn hơn khi ba mẹ của T. biết được và dành thời gian để tháo gỡ những suy nghĩ tiêu cực về bản thân của em.
Các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh có kết nối internet là một trong những kênh mà kẻ xấu thường lợi dụng để xâm hại, đe dọa, lôi kéo trẻ.
Từ câu chuyện của T., chúng tôi nhớ đến những câu chuyện ám ảnh hơn của những đứa trẻ trót trở thành nạn nhân của cộng đồng mạng thời gian qua. Vài năm trở lại đây, khái niệm “xâm hại tình dục qua mạng” được biết đến nhiều hơn. Với công cụ là mạng internet, kẻ xấu có nhiều cơ hội để tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo trẻ để thực hiện hành vi đồi bại.
Một năm trước, khi đang ngồi ở quán nước, một người ông ở phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) tình cờ phát hiện cháu gái của mình có biểu hiện đáng ngờ. Khi đuổi theo, ông mới vỡ lẽ: cháu gái mình đang vào nhà nghỉ cùng một thanh niên lạ. Cuộc gặp gỡ tình cờ đó đã giúp cô bé thoát khỏi nanh vuốt của kẻ xấu. Nhưng, rất nhiều bé gái khác không có được sự may mắn như vậy.
Đại tá Thân Trọng Hải, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (CA tỉnh) cho biết: Từ điện thoại thông minh, mạng xã hội facebook, các đối tượng đã tiếp cận, dụ dỗ, uy hiếp trẻ để thực hiện trót lọt hành vi giao cấu.
Đơn cử như vụ việc: đối tượng có quen biết với nạn nhân (13 tuổi), thường xuyên hứa hẹn dẫn đi chơi, mua điện thoại cho. Trong một lần đến chơi nhà, lợi dụng lúc nạn nhân ngủ, đối tượng chụp hình khỏa thân trẻ rồi dùng hình ảnh này để đe dọa trẻ, thực hiện hành vi xâm hại tình dục. Một trường hợp khác, kẻ xấu tiếp cận trẻ qua mạng facebook, sau đó, nắm bắt được thông tin trẻ thường xuyên trốn học, đi chơi cùng bạn trai, hắn liền đe dọa sẽ báo với gia đình trẻ, yêu cầu trẻ phải đi chơi cùng nếu muốn giữ kín bí mật. Trong hai lần đi chơi, đối tượng đã xâm hại trẻ.
Thiếu kỹ năng sử dụng mạng an toàn
Internet và các thiết bị số có vai trò quan trọng trong cuộc sống hôm nay. Và rõ ràng, không nên cấm trẻ sử dụng internet và các thiết bị thông minh. Nhưng làm thế nào để bảo vệ trẻ?
Trẻ em thảo luận về các mặt lợi và hại của mạng xã hội tại Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh năm 2018.
Chị Nguyễn Thị Trang (26 tuổi, ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) kể: “Mình thường mở một bài hát thiếu nhi trên YouTube rồi giao điện thoại cho con trong lúc làm việc nhà. Con mình sẽ dựa vào các video hiển thị kèm theo video đầu tiên ấy để chọn xem. Mình từng nghĩ là sẽ chẳng có gì nguy hiểm khi giao điện thoại cho con như vậy, nhất là khi con mình mới chỉ 4 tuổi. Cho đến khi, mình tình cờ phát hiện cháu xem các clip liên quan đến vũ khí, đến các trò chơi bạo lực... Tệ hơn là khi mình cách ly con khỏi điện thoại, cháu phản ứng rất xấu xí: khóc, ăn vạ, la hét”.
Rõ ràng, các bậc phụ huynh cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc hướng dẫn, đồng hành cùng con trong sử dụng internet. Hãy dừng ngay việc đưa điện thoại để trẻ khỏi quấy khóc, làm phiền bố mẹ hoặc chỉ để đơn giản là đánh lạc hướng trẻ trong lúc cho trẻ ăn, uống thuốc. Mặt khác, phụ huynh cũng cần tự học các kỹ năng sử dụng internet an toàn để trang bị cho con.
Chính vì tự học dùng internet và các thiết bị số nên trẻ không có kỹ năng sử dụng internet an toàn. Tại các buổi tập huấn sử dụng internet an toàn do Sở TT&TT phối hợp Sở LĐ-TB&XH tổ chức vừa qua, nhiều bạn nhỏ là học sinh khá, giỏi bất ngờ trước các clip tình huống như: chỉ cần bạn gửi một bức ảnh hơi mát mẻ, gợi cảm cho một người bạn ở xa mà bạn mới quen cũng hoàn toàn có thể để lại hậu quả ghê gớm: như hình ảnh của mình sẽ bị cắt ghép, đăng tải vào các mục đích xấu.
Em Đặng Trúc Quỳnh (ở xã Ân Hảo Đông, huyện Hoài Ân) bày tỏ: “Chúng em mong muốn thầy cô, các cô chú ở địa phương tổ chức nhiều hơn nữa các buổi hướng dẫn sử dụng internet an toàn để từ đó chúng em có thể nhận biết, phòng tránh các nguy cơ. Còn rất nhiều các bạn ở vùng sâu, vùng xa chưa biết về các kỹ năng này và các bạn ấy có thể bị xâm hại, lợi dụng bất kỳ lúc nào”.
NGUYỄN MUỘI