Thời tiết nắng nóng, oi nồng: Người có tiền sử bệnh tim mạch nên lưu ý
Thời tiết nắng nóng là một trở ngại lớn đối với sức khỏe con người, đặc biệt là đối với những người mắc các bệnh liên quan đến tim mạch (huyết áp không ổn định, suy tim, đái tháo đường…). Những ngày gần đây, cùng với nắng nóng còn là tình trạng biến đổi thời tiết khó chịu, nếu những người có tiền sử bệnh tật không theo dõi và kiểm soát sát sao, có thể dẫn đến những hậu quả xấu.
Một ca can thiệp động mạch vành tại khoa Nội Tim mạch, BVĐK tỉnh. Ảnh: MAI LÂM
Đối với người bệnh suy tim, dù ở giai đoạn nào vẫn phải thường xuyên dùng các thuốc trợ tim, thuốc lợi tiểu. Khi thời tiết nóng nực, cơ thể mất nước nhiều hơn, do nước thoát ra qua tuyến mồ hôi tăng lên, cơ thể những người này dễ mất muối, mất nước nhiều hơn dẫn đến rối loạn nước và điện giải. Do thể tích tuần hoàn của cơ thể giảm, các chất điện giải như natri, canxi, kali… đều giảm, bệnh nhân dễ xuất hiện những biến chứng như: rối loạn nhịp tim, suy thận… Những nguy cơ này còn khiến tác dụng của thuốc điều trị bị giảm. Thể tích tuần hoàn giảm còn gây ra hiện tượng máu bị cô đặc, trở thành điều kiện thuận lợi cho tai biến tắc mạch do huyết khối, đặc biệt nguy hiểm đối với những người dùng thuốc chống đông không đầy đủ.
Bác sĩ CKII Trần Văn Trung, Trưởng khoa Nội trung cao (BVĐK tỉnh), cho biết: “Trong mùa hè, nhất là những ngày nồng nực như những ngày qua, bệnh nhân suy tim đang dùng các thuốc trợ tim, lợi tiểu và các thuốc ức chế men chuyển hóa nên uống nước nhiều hơn bình thường một chút, uống nước nhiều lần trong ngày để giúp cơ thể không rơi vào tình trạng khát nước; cố gắng tránh đi ngoài đường khi trời nắng to, nên thường xuyên ở trong môi trường có nhiệt độ càng ổn định càng tốt”.
Với người bị tăng huyết áp, nhiệt độ nóng bức dễ làm nhịp tim tăng nhanh do vậy huyết áp cũng tăng theo, đây là điều nguy hiểm. Những bệnh nhân này nên được điều trị bằng thuốc đầy đủ, không nên ngừng thuốc điều trị đột ngột sẽ dễ làm phát sinh cơn tăng huyết áp gây tai biến nghiêm trọng. Nếu người bệnh có những dấu hiệu nhức đầu, chóng mặt phải nhanh chóng được đưa đến khám tại các cơ sở y tế, đề phòng những cơn tăng huyết áp kịch phát không phát hiện kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng như tai biến mạch máu não.
BS Trung cho biết thêm: “Những bệnh nhân đang được điều trị thuốc hạ huyết áp bằng các thuốc lợi tiểu cũng lưu ý nguy cơ giảm thể tích tuần hoàn dẫn đến rối loạn nước và điện giải. Những bệnh nhân tăng huyết áp đang được điều trị bằng các thuốc giãn mạch nên tránh hoạt động thời gian dài ngoài trời lúc nóng bức, đề phòng hiện tượng giãn mạch quá mức, dẫn đến tụt huyết áp, nhịp tim nhanh. Một số thuốc hạ huyết áp có thể có những tác dụng phụ nặng hơn như nóng mặt nhiều hơn, nhịp tim nhanh hơn… làm người bệnh cảm thấy khó chịu, ngột ngạt, khó thở hơn”.
Đối với bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành, để cơ tim hoạt động được bình thường, nó cần được cung cấp đầy đủ máu giàu ôxy và hệ thống động mạch vành có nhiệm vụ cung cấp đủ máu cho cơ tim. Khi các động mạch vành xuất hiện các mảng xơ vữa và bị vỡ ra sẽ gây tắc mạch đột ngột hay tạo thành các cục huyết khối gây tắc nghẽn. Động mạch vành bị tắc sẽ gây ra tình trạng đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim.
Hậu quả của nhồi máu cơ tim phụ thuộc vào độ rộng của vùng nhồi máu. Vùng cơ tim bị thiếu máu càng nhiều thì chức năng của tim càng giảm mạnh, dễ dẫn đến nguy cơ tử vong. Những người mắc bệnh động mạch vành thường có mảng xơ vữa trong lòng động mạch rộng, nguy cơ giảm thể tích tuần hoàn đối với những bệnh nhân này trong mùa hè sẽ dễ làm cho động mạch vành thuyên tắc hơn, làm cho bệnh càng thêm nặng nề. Do vậy, trong mùa nắng nóng, các bệnh nhân này phải uống thuốc và uống nước đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ giảm được nguy cơ đau thắt ngực không ổn định và nhồi máu cơ tim.
Điểm đáng lưu ý nhất trong mùa hè với bệnh nhân đái tháo đường là chế độ dinh dưỡng. Tránh hiện tượng hạ đường huyết do ăn uống không đầy đủ trong khi vẫn dùng các thuốc điều trị đái tháo đường. Hạ đường huyết là một trong những yếu tố thuận lợi dẫn đến nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân đái tháo đường có suy mạch vành. Những bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng thận mà chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, uống ít nước sẽ làm cho tình trạng suy thận gia tăng hoặc tình trạng suy thận nặng hơn khi đang dùng kèm theo thuốc lợi tiểu và ức chế men chuyển hóa.
Bác sĩ CKII Trần Văn Trung khuyên: “Những người mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, đái tháo đường trong mùa hè nên tránh hoạt động nhiều dưới trời nắng, tránh khát nước, nhưng không nên uống liền một lúc, nên ăn nhiều trái cây tươi như cam, quýt, chuối, nho để cung cấp đầy đủ các chất điện giải cho cơ thể. Nên kiểm tra huyết áp thường xuyên. Khi các biểu hiện bất thường xuất hiện phải sớm đến cơ sở y tế khám kịp thời, tránh để những hậu quả xấu xảy ra”.
Nên từ bỏ thói quen hút thuốc lá
Ðối với người cao tuổi, nhồi máu cơ tim là bệnh rất hay gặp. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi mắc phải căn bệnh này. Ðặc biệt, có những bệnh nhân còn chưa bước qua tuổi 30. Bác sĩ CKII Phan Nam Hùng - Phó trưởng Khoa Nội tim mạch, BVÐK tỉnh, chia sẻ: “Chúng tôi từng tiếp nhận một ca nhồi máu cơ tim mà bệnh nhân mới 27 tuổi. Người này nghiện thuốc lá rất nặng, trung bình một ngày hút tới 1 - 2 gói. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tắc mạch vành! Chúng ta biết thuốc lá có tác hại lớn đến sức khỏe con người - cả người hút trực tiếp và người hít khói gián tiếp. Vậy vì lý do gì mà chúng ta lại không dứt khoát từ bỏ thuốc lá chứ?”.
THÙY VY
(Trung tâm TT - GDSK tỉnh)