Quan trọng là được làm cái gì mình đam mê!
Ðó là chia sẻ của chủ nhân Giải thưởng Nghiên cứu trẻ về Vật lý năm 2018 - TS Trần Viết Nhân Hào (sinh năm 1983, giảng viên khoa Vật lý - Trường Ðại học Sư phạm Huế).
Lễ trao Giải thưởng Nghiên cứu trẻ năm 2018 đã được Hội Vật lý lý thuyết trao tại Hội nghị Vật lý lý thuyết toàn quốc lần thứ 43 diễn ra từ 30.7 - 1.8 tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) - TP Quy Nhơn. Đây là giải thưởng được Hội Vật lý lý thuyết Việt Nam trao tặng hàng năm cho một nhà nghiên cứu trẻ duy nhất chưa quá 35 tuổi, là hội viên chính thức của Hội.
TS. Trần Viết Nhân Hào (giữa) tại lễ trao Giải thưởng Nghiên cứu trẻ năm 2018.
Khoa học là con đường khổ - hạnh
• Được biết, giải thưởng nghiên cứu trẻ duy nhất được trao cho anh với cụm 3 công trình nghiên cứu xuất sắc về Vật lý hạt nhân?
- Đúng vậy, 3 công trình nghiên cứu được thực hiện từ năm 2015-2017 cùng các cộng sự trong và ngoài nước liên quan đến lĩnh vực Vật lý hạt nhân mà tôi say mê đeo đuổi suốt 14 năm làm nghiên cứu. Đó là nghiên cứu về thông số đầu vào vi mô cho các mã chương trình nghiên cứu phản ứng hạt nhân ở năng lượng thấp. Đây là một phần cơ sở lý thuyết được kỳ vọng có thể giúp các nhà khoa học thực nghiệm và lý thuyết trên thế giới có thể thực hiện những thí nghiệm các hạt nhân nằm xa đường bền. Các công trình trên đã được công bố trên Physical Review C (một trong những tạp chí quốc tế uy tín, đứng đầu ngành Vật lý hạt nhân).
• Đi trên con đường nghiên cứu khoa học là sự gập ghềnh, gian nan, nhất là với lĩnh vực Vật lý hạt nhân chưa thực sự phát triển ở Việt Nam, điều gì khiến anh có lựa chọn này?
- Tốt nghiệp khoa Vật lý, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, tôi sang Pháp học cao học và tiến sĩ tại ĐH Bordeaux 1 từ năm 2005-2010; tiếp tục làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại ĐH Texas A&M-Commerce (Hoa Kỳ) từ 2016-2018. Đến với Vật lý hạt nhân đơn giản vì sự yêu thích; nhưng cơ hội thật sự đến khi GS. P. Quentin (ĐH Bordeaux 1) cấp học bổng và hướng tôi theo con đường nghiên cứu này. Sau đó, suốt chặng đường 14 năm làm nghiên cứu, tôi vẫn chỉ có một tình yêu và niềm đam mê với Vật lý hạt nhân. Tất nhiên, đó chỉ mới là sự khởi đầu; để có thành công của ngày hôm nay còn là sự giúp đỡ mạnh mẽ của các cộng sự trong và ngoài nước.
• Và, bây giờ anh trở về để cống hiến cho quê hương?
- Nói cống hiến thì nghe lớn lao quá. Tôi chỉ nghĩ quan trọng là làm cái mà mình đam mê trước đã, và đam mê đó phù hợp với xu hướng của thế giới, để giải quyết những vấn đề chung của Vật lý hạt nhân. Hiện tại, tôi vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu và giảng dạy ở khoa Vật lý - Trường ĐH Sư phạm Huế, và là cố vấn hợp tác quốc tế và khoa học của Trường ĐH Phú Xuân. Cùng lúc làm hai công việc, cũng là cách để tôi có thể chia sẻ, gầy dựng những bạn sinh viên xuất sắc tổ chức thành nhóm nghiên cứu trong tương lai.
• Hẳn, từ thành công của mình, anh chia sẻ được nhiều điều với các bạn trẻ trước lựa chọn nghiên cứu khoa học cơ bản...
- Chúng ta vẫn hay nói rằng, nền khoa học Việt Nam và khoa học thế giới có một sự chênh lệch lớn. Điều đó không sai, nhưng tôi cho rằng, ở mỗi một bạn trẻ nếu có đam mê, quyết tâm, đi đúng hướng và chuyên tâm thì không hề thua kém các bạn trẻ nước ngoài. Cái khó của chúng ta là những người trẻ hiện phải chật vật “tay trái”, “tay phải” để kiếm sống và làm khoa học.
Hơn 14 năm chuyên tâm nghiên cứu về Vật lý hạt nhân, tôi đúc kết được con đường khoa học là con đường có “khổ”, có “hạnh”; nghĩa là có gian nan, đánh đổi, nhưng cũng có những hạnh phúc ngọt ngào từ kết quả nghiên cứu mang lại.
Một “điểm đến” khoa học tuyệt vời!
• Từ góc nhìn của người từng làm nghiên cứu ở nước ngoài, điều anh cảm nhận về môi trường khoa học của Việt Nam là gì?
- Điều đáng mừng, thời gian gần đây, Chính phủ đã có những sự hỗ trợ và tiếp sức mạnh mẽ hơn cho các nhà khoa học trẻ làm nghiên cứu, như việc thành lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia; cũng như cơ chế và chính sách cũng có sự chuyển biến đáng kể. Các trường ĐH trong nước cũng rất quan tâm nâng uy tín bằng con đường khoa học tầm quốc tế. Đó là những sự thay đổi rất thuận lợi, tạo môi trường tốt cho các nhà nghiên cứu. Hẳn nhiên vẫn cần sự đầu tư lâu dài cho khoa học từ Chính phủ cho đến cộng đồng xã hội.
• Trong hành trình ấy, Bình Định cũng đang nỗ lực tạo ra những bước phát triển từ nền tảng khoa học...
- Đây là lần đầu tiên tôi đến Bình Định dự hội nghị khoa học, ngay khi đặt chân đến ICISE, ấn tượng đầu tiên là cảm giác đang ở một trung tâm nghiên cứu tại Italy, hay Pháp. Tôi cũng rất ấn tượng với sự tinh tế của con đường đặt tên Đại lộ Khoa học dẫn vào đây, có thể hiểu đó là đại lộ của những nhà khoa học Việt Nam. Và cũng là một cơ hội tuyệt vời cho những nhà khoa học trẻ!
Vợ chồng GS Trần Thanh Vân và lãnh đạo tỉnh Bình Định đã có chiến lược cho sự phát triển của khoa học. Dĩ nhiên con đường gian nan này không thể cho “trái ngọt” trong ngày một ngày hai mà phải nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác.
• Xin cảm ơn anh.
MAI HOÀNG (Thực hiện)