Phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo”: Thống nhất quản lý, “khử ” trùng lặp đơn thư
Thanh tra tỉnh và Sở TT&TT vừa phối hợp tổ chức 3 lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo”. Theo Phó Chánh Thanh tra Thường trực Thanh tra tỉnh Ðoàn Quang Sáu, phần mềm này có ý nghĩa rất lớn đối với công tác tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Cán bộ tham gia quy trình giải quyết KNTC được hướng dẫn sử dụng phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo”.
Quản lý thuận lợi, tăng tính công khai
● Xin ông cho biết những khó khăn trong quá trình tiếp nhận, giải quyết KNTC liên quan đến dữ liệu về KNTC?
- Theo số liệu thống kê của Thanh tra tỉnh, bình quân mỗi năm các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp nhận, xử lý trên 4.000 vụ việc KNTC. Công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC của công dân đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, lượng vụ việc rất lớn, trong khi việc tiếp nhận, phân loại, xử lý, quản lý, thống kê các thông tin, dữ liệu liên quan đều thực hiện chủ yếu bằng phương pháp thủ công nên khó tránh khỏi sai sót, thiếu chính xác; chưa bảo đảm sự chỉ đạo, phối hợp thuận lợi, thông suốt, có hiệu quả giữa cơ quan hành chính nhà nước các cấp.
● Những khó khăn, bất cập đó sẽ được giải quyết như thế nào với phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC”, thưa ông?
- Phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC” do Thanh tra Chính phủ xây dựng và chính thức đưa vào khai thác, sử dụng từ ngày 15.3.2018 tại các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; các cơ quan hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương có hoạt động liên quan đến tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Giai đoạn đầu, Hệ thống được triển khai đến cấp huyện và tương đương. Phần mềm được triển khai với hệ thống cơ sở dữ liệu duy nhất cài đặt tại Thanh tra Chính phủ. Các cấp khác sẽ được “phân quyền” khai thác, sử dụng chung cơ sở dữ liệu với Thanh tra Chính phủ. Việc cập nhật, trao đổi thông tin liên quan được thực hiện hoàn toàn tự động trên môi trường mạng internet.
Việc triển khai sử dụng phần mềm này sẽ giúp thống nhất quản lý, “khử” trùng lặp đơn thư, hỗ trợ cho việc tham mưu báo cáo đầy đủ, chính xác, kịp thời về công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC trên phạm vi toàn quốc. Từ đó, góp phần khắc phục tốt những hạn chế, bất cập trong việc tiếp nhận, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC thời gian qua; giải quyết triệt để bài toán quản lý từ khâu tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, quản lý đơn thư và giải quyết vụ việc KNTC đến khâu trả lời kết quả cho người KNTC. Đồng thời, tăng cường công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Khắc phục khó khăn, tham gia tích cực
● Là một vấn đề mới mẻ, thực tế triển khai phần mềm hệ thống “Cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC” chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn…
- Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, việc triển khai phần mềm “Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC” tại Bình Định cũng có một số mặt khó khăn nhất định. Hạ tầng công nghệ thông tin chưa thật sự đồng bộ; tốc độ đường truyền internet ở một số ngành, địa phương có khả năng chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai hệ thống. Một số công chức trực tiếp khai thác, sử dụng hệ thống còn thiếu kinh nghiệm, chưa nắm vững quy trình nghiệp vụ, trong khi yêu cầu toàn bộ các nghiệp vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC phải cập nhật, chính xác, kịp thời, toàn vẹn và đầy đủ vào “Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC”. Hệ thống lần đầu được đưa vào sử dụng tại Bình Định, do đó quá trình thực hiện khó tránh khỏi lúng túng, thậm chí có sai sót.
● Để vận hành phần mềm hệ thống “Cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC” được trơn tru, yêu cầu đặt ra với các ngành, địa phương là gì, thưa ông?
- Là đơn vị đầu mối sử dụng phần mềm Hệ thống “Cơ sở dữ liệu quốc gia về KNTC” Thanh tra tỉnh sẽ chủ động với Sở TT&TT chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực, tài liệu và các điều kiện cần thiết khác để tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ là công chức quản trị mạng, công chức tham mưu chỉ đạo, quản lý nhà nước về KNTC và các công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC của các ngành, địa phương trong tỉnh.
Trong khi đó, lãnh đạo các sở, ngành và địa phương phải chủ động rà soát, chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin, trang bị đầy đủ máy tính có kết nối internet, máy scan cho cán bộ, công chức tham gia quy trình tiếp dân, tiếp nhận, xử lý, theo dõi, giải quyết KNTC.
● Xin cảm ơn ông.
NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)