Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vân Canh: Nỗ lực ngăn chặn học sinh bỏ học
Thống kê tỉ lệ học sinh bỏ học trong năm học 2017-2018 của Sở GD&ÐT cho thấy, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Vân Canh (huyện Vân Canh) là một trong những “điểm nóng”, với 45 học sinh đã bỏ học, chiếm tỉ lệ 6,8% tổng số học sinh toàn trường (theo quy định của ngành là không quá 1%).
Khen thưởng kịp thời số học sinh học tập tiến bộ là giải pháp góp phần hạn chế học sinh bỏ học.
Cung cấp thông tin chi tiết về vấn đề trên, ông Trương Xuân Tú, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PT DTNT) Vân Canh, cho biết: “Trong số 45 học sinh đã bỏ học có 7 học sinh người Kinh và 38 học sinh người dân tộc thiểu số. Tính theo địa phương thì trong số này riêng 2 xã Canh Liên và Canh Hòa đã có 21 em. Tính theo cấp học, khối lớp thì nhiều nhất là học sinh khối lớp 10 với 35 em, lớp 11 có 3 em, lớp 12 có 2 em, còn lại là học sinh ở cấp THCS”.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến học sinh bỏ học, riêng ở khu vực miền núi như Vân Canh có 3 nguyên nhân chính thường được nhắc đến. Đầu tiên là hầu hết số học sinh bỏ học là những em mất căn bản, ý thức học tập và rèn luyện thấp nên học yếu, rồi nản và bỏ học. Thứ hai là các em nghỉ học để lập gia đình. Thứ ba là những em ở xa trường, phải thuê nhà trọ học, gia đình ít quan tâm, quản lý nên có điều kiện ham chơi, dễ bị bạn xấu lôi kéo, lêu lổng dẫn đến học yếu, chán nản và bỏ học.
Rất tâm tư, trăn trở khi nhắc đến số học sinh lớp 10 bỏ học, ông Trương Xuân Tú tiếc nuối: Từ xã về huyện học, các em bỡ ngỡ với rất nhiều điều, học sinh phải ở trọ đi học rất lâu mới làm quen được với môi trường mới. Những em bị hổng kiến thức cơ bản, không theo kịp chương trình, thầy cô biết ngay. Nhà trường cử giáo viên dạy thêm miễn phí để bù kiến thức nhưng phần lớn các trường hợp này đều muốn trở về làng. Kinh nghiệm cho thấy, em nào vượt qua học kỳ đầu tiên hầu hết sẽ học trọn 3 năm THPT, em nào đã bỏ học thì gần như sẽ không trở lại trường, rất khó thuyết phục.
Khi tôi đến Trường PT DTNT Vân Canh là lúc các thầy cô đang phân lớp cho học sinh lớp 10. Năm học 2018-2019, trường có 6 lớp/227 học sinh, trong số này có 127 học sinh là người dân tộc thiểu số. Số học sinh đến từ 2 xã Canh Liên và Canh Hòa khoảng 60 em, đa số các em này phải thuê nhà ở trọ. Một số giáo viên kể với tôi, học sinh THCS được ở nội trú trong trường, giáo viên có điều kiện gần gũi, quản lý. Do học sinh THPT trọ học ở bên ngoài nên giáo viên rất khó quản lý, dễ bị bạn bè xấu lôi kéo. Nếu các em ở nội trú, tình thế sẽ khá hơn nhiều.
Khi tham vấn ông Từ Kim Lân, Hiệu trưởng Trường PT DTNT Vĩnh Thạnh, đơn vị đã khắc phục vấn đề học sinh bỏ học khá thành công, ông Lân cho biết: Ở Trường PT DTNT Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh cho xây 10 phòng nội trú dành cho học sinh cấp THPT là người dân tộc thiểu số. Từ khi có chỗ ăn, ở ổn định, chúng tôi cũng dễ chăm sóc, quản lý các em hơn. Đặc biệt, hàng đêm, các em được các thầy cô hướng dẫn tự học. Kết quả tốt hơn rất nhiều so với khi chưa có phòng ở nội trú.
Bên cạnh ước mong có khu nhà ở cho số học sinh ở xa có nhu cầu nội trú, Trường PT DTNT Vân Canh cũng đang nỗ lực tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh động viên con em mình đến lớp; một mặt tăng cường phụ đạo cho những học sinh bị hổng kiến thức, mặt khác còn thường xuyên tuyên dương, khen thưởng những học sinh có tiến bộ trong học tập và rèn luyện.
Ông Trương Xuân Tú, Hiệu trưởng Trường PT DTNT Vân Canh, tâm sự: “Nhà trường đang kêu gọi sự vào cuộc, hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể. Riêng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường sẽ tích cực hơn nữa trong việc dạy học, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của học sinh và quyết tâm cao hơn trong việc vận động học sinh trở lại trường”.
NGỌC TÚ