Gần 4.000 bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả từ 200 - 300 triệu đồng
Từ đầu năm đến nay, có gần 4.000 bệnh nhân được chi trả khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) từ 200 triệu đến 300 triệu đồng. Hơn 1.300 bệnh nhân được chi trả trên 300 triệu đồng. Đặc biệt, một bệnh nhân thuộc đối tượng bảo trợ xã hội được chi trả 2,8 tỷ đồng trong 8 đợt điều trị.
Tư vấn khám chữa bệnh.
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến nay, hệ thống giám định đã tiếp nhận gần 84 triệu lượt khám chữa bệnh, chi phí đề nghị thanh toán gần 47 tỷ đồng. Tỷ lệ sử dụng quỹ BHYT so với dự toán cả năm là gần 52%. Một số tỉnh có tỷ lệ sử dụng cao trên 56% là Quảng Ninh, Khánh Hòa, Tiền Giang, Đồng Tháp và Bạc Liêu là trên 56%. Ông Đàm Hiếu Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Giám định Bảo hiểm y tế (BHYT) và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc cho biết, hiện đang có tình trạng đề nghị thanh toán dịch vụ kỹ thuật phẫu thuật viêm phúc mạc ruột thừa cao bất thường tại một số cơ sở khám chữa bệnh.
Nhiều cơ sở khám chữa bệnh có 100% trường hợp phẫu thuật viêm phúc mạc ruột thừa như Bệnh viện đa khoa huyện Krông Pắk – Đắk Lắk, Trung tâm y tế thị xã Thuận An – Bình Dương, Bệnh viện đa khoa khu vực Lục Ngạn – Bắc Giang. Kết quả kiểm tra cho thấy phần lớn bệnh án không phải viêm phúc mạc ruột thừa. Toàn bộ chi phí sai sót, cơ quan BHXH các tỉnh đã từ chối thanh toán. Bên cạnh đó, chi phí tiền giường bệnh nội trú tại một số tỉnh, thành phố cao so với tỉ lệ chung toàn quốc như: Hậu Giang, Đồng Tháp, Đắk Nông, Cao Bằng…
Ông Đàm Hiếu Trung khẳng định, tất cả bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT đều được hưởng quyền lợi như nhau. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Quỹ BHYT đã chi trả cho hàng nghìn bệnh nhân có chi phí cao từ 200 - 300 triệu đồng, trong đó có hơn 1.300 bệnh nhân được chi trả trên 300 triệu đồng. Một bệnh nhân ở Lạng Sơn thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương được quỹ BHYT chi trả đến 2,7 tỷ đồng.
Liên quan đến việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế của Bộ Y tế bằng việc áp dụng Thông tư 15 thay thế thông tư 37, ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban Chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho rằng, thông tư này đã khắc phục được một phần những bất cập của thông tư 37, đó là điều chỉnh định mức kỹ thuật của một số dịch vụ y tế, làm giảm giá một số dịch vụ như giường bệnh, khám bệnh, y học cổ truyền, phục hồi chức năng. Tuy nhiên, vẫn còn hàng nghìn dịch vụ kỹ thuật chưa được xây dựng định mức chuẩn, mức giá vẫn còn cao.
Vấn đề thanh toán chi phí khám chữa bệnh, kiểm soát định mức vẫn chưa giải quyết được, nhất là vấn đề thanh toán theo định mức nhân lực giường bệnh, ông Lê Văn Phúc cho biết: “Trong giai đoạn 2, khi sửa đổi tiếp thông tư 37, BHXH Việt Nam, Bộ Y tế cũng sẽ phải có những giải pháp tổng thể hơn và hướng đến giá dịch vụ y tế phải hướng đến chất lượng dịch vụ chứ không thể cào bằng như hiện nay. Chính vì vậy, cần phải công bằng, minh bạch hướng tới chất lượng khám chữa bệnh cho người bệnh. Tới đây, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính sẽ chủ trì đi kiểm tra, khảo sát tại một số địa phương để đánh giá liên quan đến việc xây dựng định mức kỹ thuật cũng như mức giá của các dịch vụ y tế”.
Theo Báo Tin tức