Chông chênh “bước nữa”
Với những phụ nữ “đã qua một lần đò”, cánh cổng đến với hạnh phúc mới dường như hẹp hơn bình thường. Những người có con càng chịu áp lực từ nhiều phía. Nhưng, nếu vượt qua được, hạnh phúc sẽ đến với họ.
Muôn vạn nỗi lo
Không hồ hởi, nhiệt thành như lần đầu kết hôn, kẻ đã qua một lần đò thường mang trong mình rất nhiều suy tư, trăn trở trước khi bước vào cánh cửa hôn nhân lần nữa. Chuẩn bị lên xe hoa, đắn đo mãi, chị L.T.C.H., 26 tuổi, ở thị xã An Nhơn, mới quyết định thú nhận với chồng sắp cưới rằng mình từng đã có một đời chồng, dù rằng người chồng ấy thuộc giới tính thứ 3. Dẫu rất đau khổ, chồng chưa cưới của H. vẫn chấp nhận bỏ qua. Tuy nhiên, để cuộc hôn lễ diễn ra thuận lợi, họ thỏa thuận không đả động chuyện ấy với gia đình đằng trai. Vậy mà không hiểu sao, gia đình nhà chồng H. sau đó vẫn biết được sự thật. Mãi cho đến khi H. sinh được đứa con trai đầu lòng, cộng thêm cách cư xử khéo léo của H., gia đình nhà chồng mới chấp nhận cô thực sự là dâu con trong nhà.
Khi đã “qua một lần đò”, người trong cuộc thường trưởng thành hơn trong suy nghĩ, hành động, chín chắn hơn trong việc chọn bạn đời và ít nhiều họ cũng “trải đời” hơn trước. Đã mất mát, đã thất bại nên họ biết giữ gìn và trân trọng hạnh phúc hơn. Như chị N.T.T., ở phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn sống với người chồng sau và có với nhau đứa con gái hơn 1 tuổi rồi gia đình nhà chồng mới gật đầu đồng ý rước về làm dâu. Lý do đơn giản là chị đã “qua một lần đò” và có con riêng trong khi chồng chị là “trai tân”. Những năm qua, cuộc sống dù cơ cực nhưng chị T. vẫn hạnh phúc vì mọi nỗ lực của mình cũng được đền đáp xứng đáng. Chị nỗ lực làm tròn bổn phận “dâu thảo, vợ hiền” như tỏ lòng cảm ơn đối với nhà chồng.
Chẳng ai dám khẳng định trước tương lai của những mái ấm “rổ rá cạp lại”. Điều quan trọng là khi bước vào cuộc hôn nhân tiếp theo, mỗi người trong cuộc cần thận trọng, sao cho không đánh đổi nỗi bất hạnh này bằng nỗi bất hạnh khác lớn hơn. Đó là trường hợp của chị H.A. ở đường Chương Dương, TP Quy Nhơn. Khi quyết định kết hôn với người chồng vốn đã qua 2 đời vợ, chị bị người thân và bạn bè phản đối quyết liệt, nhưng chị vẫn tin rằng mình sẽ thay đổi được con người vốn đa tình như anh. Giờ đây, vợ chồng chị có đứa con gái đã 3 tuổi và chị suýt mấy lần nộp đơn xin ly dị vì anh vẫn không thay đổi được tính trăng hoa.
Hạnh phúc trong tay mình
Hai bác của tôi suốt ngày lo tìm người mai mối cho con gái đã một lần dang dở chuyện hôn nhân của mình. Còn chị họ tôi thì luôn giữ ý nghĩ, đàn ông là kẻ bội bạc nhất. “Chồng của mình còn có thể bỏ hai mẹ con để đi cùng với người đàn bà khác, huống hồ người khác”, chị chua chát.
Dù gập ghềnh, chông gai nhưng theo nhiều chuyên gia tâm lý thì tái hôn vẫn thực sự là thiên đường hạnh phúc cho những người đã một lần lở dở nếu biết cách sống. Chị N.T.B. ở xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân, chồng bị bạo bệnh chết được hai năm. Vốn giỏi giang, tháo vát nên dù không có chồng, chị vẫn nuôi hai con ăn học đàng hoàng. Sau giờ làm việc vất vả, chị thường đóng chặt cửa chơi với con trong nhà để tránh “ong”, “bướm” cứ lai vãng, nỉ non, trong đó không thiếu kẻ khi bị khước từ thì vùng vằng, nói chõ vào nhà những lời khiếm nhã, rằng gái góa chồng mà còn làm kiêu...
Hai năm sau, chị quyết định lấy một chàng trai “khờ” trong xóm. Dù gia đình khuyên đừng nên đi bước nữa với người này kẻo lại gánh thêm “nợ”, nhưng chị có lý lẽ của mình: “Ảnh khờ mới chỉ lo thương vợ, thương con của vợ. Dù ảnh có khờ nhưng tui có chồng rồi thì mới tránh được người ta dòm ngó, đặng có thời gian kiếm sống lo cho gia đình”. Có thể, với mọi người quyết định tái hôn của chị là thêm “gánh nặng” nhưng chị lại hạnh phúc, yên tâm chăm lo cho cuộc sống riêng của mình.
Để có được hạnh phúc ở lần tái hôn, điều quan trọng nhất là phải có một cái nhìn tích cực. Đừng bao giờ mang tư tưởng bi quan, hằn học, quan niệm không tốt về mối quan hệ “rổ rá cạp lại” hay vấn đề con chung con riêng, soi xét quá khứ.... vào cuộc hôn nhân mới vì người chịu đau khổ trước hết là chính người có thái độ đó. Bí quyết có hạnh phúc là đôi bên biết sống độ lượng, khoan dung với nhau và với con cái, cố chấp nhận những hạn chế và khiếm khuyết của người bạn đời, dần tạo sự hòa hợp về tâm, sinh lý, đạo đức và lối sống. Khi gặp phải chuyện “cơm không lành, canh chẳng ngọt” không nên lôi quá khứ của nhau ra bình luận, so sánh. Và đằng sau cánh cửa ấy, địa ngục hay thiên đường đang chờ, điều đó cũng tùy thuộc vào cách sống của bạn và người mới. Hạnh phúc, dù muộn mằn, hãy cứ nắm bắt và học cách giữ lấy nó.
NHƯ QUỲNH