HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TỔNG KẾT NĂM HỌC 2017-2018, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2018-2019:
Công tác quản trị nhà trường cần minh bạch, công khai
(BĐ) - Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 do Bộ GD&ĐT tổ chức vào ngày 2.8. Điểm cầu tại Hà Nội do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì. Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh chủ trì.
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 tại điểm cầu Bình Định.
Năm 2018 là tròn 5 năm ngành GD&ĐT thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện. Đồng chí Phó Thủ tướng khẳng định quan điểm: đổi mới giáo dục là cả một quá trình và phải theo xu thế của thế giới. Tinh thần đổi mới toàn diện phải được giữ gìn và lan tỏa trong toàn ngành, đến từng giáo viên và cả cộng đồng.
Đối với vấn đề tinh giảm biên chế của ngành GD&ĐT, đồng chí yêu cầu các địa phương phải đảm bảo không ảnh hưởng đến việc dạy và học, không áp dụng một cách máy móc, rập khuôn. Công tác quản trị nhà trường cần minh bạch, công khai. Phụ huynh không chỉ dừng lại ở vị trí đồng hành cùng nhà trường trong quản lý, nuôi dưỡng trẻ thành những công dân tốt mà còn phải tham gia vào công tác quản trị nhà trường, góp phần hạn chế các tiêu cực trong ngành giáo dục. Trong năm học mới, ngành cần phát động thi đua nhà giáo gương mẫu, “mạnh tay” với bộ phận cán bộ, giáo viên thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm.
Nguồn: BTV
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2017-2018 đã đạt được một số kết quả như tỷ lệ huy động trẻ ra lớp vượt chỉ tiêu ở tất cả các độ tuổi; mạng lưới, quy mô giáo dục phổ thông tiếp tục ổn định; chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng mũi nhọn ở phổ thông tiếp tục được nâng lên. Ngành đã cắt giảm các hội thi, cuộc thi để giảm áp lực đối với giáo viên, học sinh. Các đoàn học sinh Việt Nam dự Olympic quốc tế và khu vực, thi khoa học kỹ thuật quốc tế đạt kết quả tốt. Kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Chất lượng giáo dục đại học ngày càng được quan tâm; thứ hạng của các trường đại học Việt Nam có sự cải thiện.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, yếu kém như: tình trạng thiếu trường lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt là các trường mầm non; thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm; đổi mới chương trình, sách giáo khoa chưa đạt tiến độ đề ra; công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh chưa đáp ứng được yêu cầu; tự chủ đại học còn nhiều hạn chế; lạm thu trong các cơ sở giáo dục còn diễn ra ở nhiều địa phương...
NGUYỄN MUỘI