Tăng cường quản lý tổng hợp đới bờ
Quản lý tổng hợp đới bờ (QLTHÐB) cho đến nay được thừa nhận là quá trình thích hợp nhất để giải quyết các thách thức tại đới bờ trước mắt cũng như lâu dài. QLTHÐB tạo cơ hội cho các vùng ven biển hướng tới sự phát triển bền vững, cho phép tính đến các giá trị tài nguyên cùng lợi ích hiện nay và trong tương lai của đới bờ…
Theo Cục Quản lý Khai thác biển và hải đảo (thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), đến nay, mặc dù vẫn ở trong giai đoạn đầu áp dụng QLTHĐB, nhưng tại một số tỉnh, thành phố đã bước đầu hình thành được cơ chế điều phối, hợp tác đa ngành, hỗ trợ giải quyết được nhiều vấn đề, mâu thuẫn trong sử dụng đới bờ, cân bằng lợi ích của các bên hưởng lợi và chịu tác động từ việc khai thác, sử dụng và quản lý đới bờ.
Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng và ban hành chiến lược và kế hoạch hành động về QLTHĐB, thiết lập được cơ sở dữ liệu và hệ thống quản lý thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường đới bờ và tổ chức được các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về QLTHĐB. Hiện nay, các bộ, ngành liên quan đều đã nhận thấy rõ vai trò quan trọng của QLTHĐB và đang từng bước lồng ghép các nguyên tắc, nội dung của QLTHĐB vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành.
DA xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình truyền thông về QLTHĐB cho dải ven biển Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ giai đoạn 2011-2013 được triển khai tại 14 tỉnh, thành ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. DA nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cộng đồng về QLTHĐB và phát triển bền vững tại dải ven biển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2013 hơn 50% lãnh đạo, cán bộ công chức tại 14 tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ được nâng cao nhận thức về QLTHĐB; hơn 20% doanh nghiệp nhà nước và tư nhân hoạt động vùng bờ tại các địa phương này được nâng cao nhận thức về QLTHĐB, đồng thời cam kết thực hiện theo nguyên tắc phát triển biển Đông; hơn 30% cư dân đang có các hoạt động khai thác, sử dụng gắn với tài nguyên và môi trường vùng bờ được phổ biến kiến thức nhằm nâng cao nhận thức về giá trị tài nguyên vùng bờ và nguyên tắc thực hiện QLTHĐB.
Riêng ở Bình Định, thực hiện Quyết định 158/2007/TTg ngày 9.10.2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, UBND tỉnh đang từng bước triển khai QLTHĐB. Hiện tỉnh đang kiện toàn Ban chỉ đạo và Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện Dự án QLTHĐB tỉnh Bình Định.
UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN-MT phối hợp với Viện Hải dương học và các đơn vị có liên quan triển khai thí điểm QLTHĐB ở đầm Đề Gi. Từ năm 2009 đến năm 2010, thực hiện tiểu dự án (TDA) “Điều tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý tổng hợp đầm Đề Gi theo hướng phát triển bền vững” thuộc DA Tổng hợp đới ven bờ tỉnh Bình Định. Từ năm 2011 đến năm 2012 thực hiện TDA “Triển khai giải pháp quản lý tổng hợp đầm Đề Gi theo hướng phát triển bền vững”.
Các TDA nói trên đã đạt được kết quả thiết thực, làm tiền đề để trong năm 2013 thực hiện TDA: “Hỗ trợ các mô hình đồng quản lý nhằm bảo tồn nguồn giống và giảm thiểu khai thác hủy diệt tại đầm Đề Gi” với mục tiêu hỗ trợ duy trì hoạt động các mô hình đồng quản lý đã được hình thành; hỗ trợ 2 tổ tự quản khu vực cồn Ghẹ và cồn Xà Lãng hoạt động; củng cố hàng rào bảo vệ hai khu bảo tồn nguồn giống là cồn Ghẹ và cồn Xà Lãng; đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; tăng cường năng lực thể chế, tuần tra, kiểm soát bảo vệ nguồn lợi thủy sản và giảm thiểu khai thác hủy diệt tại đầm Đề Gi, nhằm góp phần thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong việc quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo theo hướng phát triển bền vững.
Theo Sở TN-MT Bình Định, QLTHĐB là một vấn đề mới về nội dung và cả phương pháp triển khai, trong khi nhận thức của cán bộ và cộng đồng dân cư về QLTHĐB cũng như việc khai thác, sử dụng bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, hải đảo theo hướng phát triển bền vững còn hạn chế. Công tác QLTHĐB yêu cầu thực hiện nhiều hoạt động tổng hợp vùng bờ, đòi hỏi có nguồn kinh phí lớn, song hiện nay tỉnh Bình Định đang thiếu tài chính và kỹ thuật phục vụ công tác QLTHĐB… Do đó, Sở TN-MT đề nghị Trung ương hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cần thiết để thực hiện QLTHĐB trên địa bàn tỉnh; đề nghị Bộ TN-MT, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ làm công tác QLTHĐB nói riêng và quản lý nhà nước về biển, hải đảo nói chung.
NGUYÊN VŨ