ÐỐI THOẠI VỚI NHÂN DÂN LÀNG TÀ ÐIỆK VỀ QUY HOẠCH NGHĨA ĐỊA:
Ðể dân bức xúc, trách nhiệm thuộc về lãnh đạo xã
Sáng 2.8, Huyện ủy, HÐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Thạnh và UBND xã Vĩnh Hảo, thị trấn Vĩnh Thạnh đã tổ chức đối thoại với nhân dân làng Tà Ðiệk (xã Vĩnh Hảo) về tình hình quy hoạch khu đất nghĩa địa của làng. Do việc quy hoạch kéo dài nhiều năm, người qua đời không có chỗ chôn cất đã gây bức xúc trong nhân dân.
Chậm trễ do thiếu kinh phí?
Từ sáng sớm, người dân làng Tà Điệk đã tập trung đông đủ tại nhà rông. Bok Đinh Dyh, 87 tuổi, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo, cho biết: “Trước năm 2006, toàn bộ khu đất nghĩa địa 1.500 m2 thuộc về làng Tà Điệk. Sau 2006, khi chia tách thành lập thị trấn Vĩnh Thạnh thì phần đất này thuộc về làng Hà Rơn, thôn Định An, thị trấn Vĩnh Thạnh. Dân làng chúng tôi đã có ý kiến về việc mở rộng hay quy hoạch nghĩa địa cho làng từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện, khiến dư luận bức xúc. Nhiều gia đình có người thân mất không biết phải chôn cất ở đâu. Tôi rất vui khi biết Ủy ban MTTQ huyện tổ chức đối thoại nên thu xếp đi sớm, truyền đạt mong mỏi của bà con trong làng”.
Bok Đinh Dyh, 87 tuổi, ý kiến về việc mở rộng quy hoạch nghĩa địa làng Tà Điệk.
Tất cả các ý kiến của người dân trong làng đều mong chính quyền các cấp giải quyết ngay vấn đề cấp thiết này. Anh Đinh Ứt, Bí thư chi bộ làng, kể: “Làng có 98 hộ, 365 nhân khẩu. Từ năm 2013, người dân đã bức xúc về việc nghĩa địa không còn chỗ chôn cất nhưng không được chính quyền giải quyết. Gần đây, khi gia đình tổ chức chôn cất ông Đinh Nhơn đã xảy ra tranh chấp với hộ gia đình làng giáp ranh. Việc chôn cất kéo dài vì cứ bên này đào đất thì bên kia lấp lại. Chính quyền xã phải can thiệp mới giải quyết được”.
Thừa nhận có sự việc này xảy ra tại địa phương, ông Cao Hoài Phúc, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo, cho biết: “Từ năm 2013, nhân dân làng Tà Điệk đã có ý kiến xin mở rộng nghĩa địa. UBND xã xin chủ trương quy hoạch mở rộng nghĩa địa với diện tích 9.308 m2, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng trên 81 triệu đồng. Năm 2017, UBND xã phối hợp với UBND thị trấn Vĩnh Thạnh, Phòng TN&MT và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện tiến hành khảo sát và thống nhất, để giảm chi phí bồi thường cho ngân sách thì giai đoạn 2017 - 2020 chỉ quy hoạch 3.200 m2, sau này có nhu cầu sẽ tiếp tục mở rộng. UBND xã không có kinh phí nên chờ bố trí từ nguồn thu đấu giá đất ở địa phương để tiến hành bồi thường. Hiện nay, việc đấu giá đất không thuộc quyền của UBND xã nên không còn nguồn kinh phí để thực hiện việc này”.
Trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND xã
Tại buổi đối thoại, bà Trần Thị Ánh Chung, Trưởng Phòng Tài chính huyện, cho rằng: “Phòng Tài chính có nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện nhưng từ năm 2013 đến nay, tôi chưa nhận bất cứ tờ trình nào về việc hỗ trợ kinh phí hay bố trí nguồn kinh phí để UBND xã Vĩnh Hảo mở rộng nghĩa địa làng Tà Điệk”.
Lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh tham dự buổi đối thoại để giải quyết việc mở rộng nghĩa địa làng Tà Điệk.
Cuối buổi đối thoại, ông Lê Văn Đẩu, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, khẳng định: “Lỗi chậm trễ không giải quyết dứt điểm, gây bức xúc trong nhân dân là do đồng chí Cao Hoài Phúc, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo. Tôi chỉ được biết vấn đề này tại buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND huyện năm 2017 tại xã Vĩnh Hảo. Tôi đã chỉ đạo giải quyết 2 vấn đề mà nhân dân xã kiến nghị: UBND huyện phải bố trí 150 triệu đồng sửa chữa nhà rông của làng Tà Điệk và UBND xã Vĩnh Hảo giải quyết tình trạng thiếu chỗ chôn cất cho người dân làng Tà Điệk. Nếu UBND xã không thể giải quyết được thì báo cáo huyện nhưng lãnh đạo xã không hề báo cáo”.
Theo ông Lê Văn Đẩu, việc UBND xã cho rằng không tìm được nguồn kinh phí để giải quyết việc đền bù mở rộng nghĩa địa là không đúng. Trước năm 2017, UBND xã được phép đấu giá đất và đã bán nhiều lô đất nhưng không thực hiện việc đền bù. “UBND xã phải gấp rút làm tờ trình kiến nghị các đơn vị chức năng ở huyện tham mưu việc cấp nguồn kinh phí, thu hồi đất, áp giá đền bù cho phù hợp để giải quyết dứt điểm việc mở rộng nghĩa địa làng trong năm 2018”, ông Lê Văn Đẩu chỉ đạo.
“Việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân sẽ không giống các đợt tiếp xúc của cử tri với đại biểu dân cử và các buổi tiếp công dân định kỳ. Qua đối thoại, tôi thấy người dân đã đòi hỏi quyền lợi chính đáng, cấp thiết mà chính quyền cấp xã đã để kéo dài, không giải quyết, gây dư luận không tốt, bức xúc. Với việc đối thoại, Ðảng, chính quyền không chỉ thể hiện sự gần dân, trọng dân, “lắng nghe tâm trạng nhân dân” mà còn là cách làm hiệu quả để phòng, chống quan liêu, mệnh lệnh; tránh chỉ nghe thông tin một chiều qua báo cáo và các cuộc họp. Thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Thạnh sẽ tiếp tục tổ chức đối thoại nhiều hơn nữa để giải quyết những bức xúc của nhân dân”.
Bà ĐINH THỊ SEN, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Thạnh
HẢI YẾN