Việt Nam sẵn sàng cùng Séc giải quyết vướng mắc thị thực
Ngày 2.8, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi về việc Cộng hòa Séc ngừng cấp thị thực lao động, kinh doanh dài hạn cho người Việt Nam từ cuối tháng 7, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói, Việt Nam sẵn sàng phối hợp với phía Séc giải quyết những vướng mắc này.
Người Việt tại Séc là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ ba ở nước này. Ảnh: Vietinfo.
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm: “Việt Nam và Cộng hòa Séc có mối quan hệ hợp tác phát triển nhiều mặt tốt đẹp. Chúng tôi hiểu rằng đây là vấn đề mang tính chất kỹ thuật và sẵn sàng phối hợp với phía Séc giải quyết những vướng mắc trong việc cấp thị thực dài hạn với mục đích lao động hoặc kinh doanh của người Việt Nam. Qua đó tạo điều kiện thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực phù hợp với quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc”.
Ngày 24.7, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc thông báo, nước này ngừng nhận đơn xin thị thực dài hạn nhằm mục đích lao động hoặc kinh doanh của người Việt Nam từ ngày 18.7 với lý do quá tải và những nguy cơ về an ninh.
Từ năm 2013, người Việt được công nhận là dân tộc thiểu số tại Séc và là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ ba ở nước này, sau Ukraine và Slovakia. Hiện có hơn 65.000 người Việt sinh sống tại Séc.
Về thông tin Việt Nam mua vũ khí Mỹ trị giá 100 triệu USD, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, sẽ chuyển câu hỏi này đến cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đồng thời, bà khẳng định chính sách quốc phòng của Việt Nam là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, hòa bình của đất nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Việc hợp tác quốc phòng với các nước là nhằm thực hiện chính sách trên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng đã trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Mỹ vừa công bố sáng kiến kinh tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
“Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới là mục tiêu chung của tất cả các quốc gia. Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến và các nỗ lực liên kết và kết nối ở khu vực đóng góp vào mục tiêu này”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.
Trước đó, ngày 31.7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công bố khoản ngân sách 113 triệu USD cho một loạt sáng kiến tập trung vào kinh tế số, năng lượng và cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương.
Theo LAN ANH (TP)