Môn học “Hạnh Phúc”
Sau kỳ nghỉ hè, từ đầu tháng 7.2018, các em nhỏ ở thủ đô Dehli (Ấn Độ) đã quay lại trường học. Trong 3 tuần các em được học một môn học hoàn toàn mới: Hạnh Phúc. Chính quyền Dehli chủ trương đưa môn học này vào chương trình chính khóa nhằm thay đổi quan điểm và nhận thức của toàn xã hội: thay vì chăm chắm vào thành tích và điểm số của học sinh, cần giúp các em vui vẻ, hạnh phúc hơn khi đến lớp (Theo báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 1.8).
Cơ sở của đổi mới này là bởi có tới 1/4 số trẻ em Ấn Độ trong độ tuổi 13- 15 đối mặt với chứng trầm cảm; sau các kỳ thi cử, số ca tự tử đã tăng cao hơn trong nhóm các học sinh thi hỏng. Nguồn tin cũng cho biết thêm, ông Manish Sisodia, người đứng đầu ngành Giáo dục ở Dehli chia sẻ: “Tôi không biết liệu hạnh phúc có học được không, nhưng nó có thể luyện tập được. Thế nên, một khi bạn đã bắt đầu thực hành cách sống hạnh phúc, nó sẽ là một phần đời của bạn”.
Câu chuyện diễn ra ở nước Ấn Độ xa xôi nhưng bỗng dưng lại rất gần gũi với Việt Nam. Không phải chỉ nghe nói mà chúng ta đã cảm nhận rất rõ từ con cháu của mình, của bạn bè, người quen về những áp lực trong trường học. Đã có việc giảm tải chương trình, đã có những quy định về dạy thêm học thêm, đã có cuộc vận động không chạy theo hình thức… nhưng đến giờ mục tiêu giúp trẻ em có “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” vẫn còn quá đỗi xa xôi. Không những vậy, cơn bão khủng khiếp liên quan đến tiêu cực trong chấm thi ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… đã liên tiếp giáng vào niềm tin của phụ huynh đối với ngành Giáo dục những đòn nặng nề.
Ở Ấn Độ, môn Hạnh Phúc không có sách giáo khoa, không chấm điểm, không có bài tập về nhà, không có bài kiểm tra môn. Các em được hướng dẫn thiền định và tham gia các hoạt động sáng tạo. Và một điểm hết sức quan trọng là chính người thầy phải hạnh phúc để làm lan tỏa tinh thần hạnh phúc đến các học sinh của mình.
Câu chuyện môn học Hạnh Phúc tuy ở Ấn Độ xa xôi nhưng lại có giá trị tham chiếu với chúng ta rất sát sườn. Có lẽ, không chỉ ngành GD&ĐT, mà cả chính những phụ huynh nữa, đã đến lúc chúng ta nghiêm túc nên thôi cái chuyện đặt lên con mình thêm những gánh nặng. Nào là phải học thêm Toán, Lý, Hóa, Anh, Văn; những môn Sử, Địa trung bình cũng được, phải đạt đến mức này điểm này, phải là học sinh giỏi… Xin hãy chấm dứt tất cả những chuyện như vậy để trẻ em thật sự có “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
ÐÔNG A