Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Cần chủ động, quyết liệt hơn
Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389), 6 tháng đầu năm 2018, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh giảm so với cùng kỳ năm 2017, song vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và diễn biến phức tạp.
Lực lượng quản lý thị trường tiêu hủy rượu không rõ nguồn gốc (tháng 2.2018).
Vẫn tiềm ẩn phức tạp
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, 6 tháng đầu năm 2018, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh (BĐBP, CA, Cục Thuế, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh…) đã phát hiện và xử lý 776 vụ việc vi phạm (giảm 84 vụ so với cùng kỳ), trong đó có 69 vụ hàng cấm, nhập lậu, 9 vụ hàng giả, 698 vụ gian lận thương mại; tổng số tiền xử lý thu nộp ngân sách nhà nước trên 18 tỉ đồng, tăng trên 5,5 tỉ đồng. Các mặt hàng buôn lậu, gian lận thương mại và bị làm giả chủ yếu là lâm sản, xăng dầu, đồ gia dụng, thuốc lá điếu, mỹ phẩm…; đối tượng hoạt động có tính chất nhỏ lẻ, chưa phát hiện đường dây có tính chất quy mô lớn. Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn nhiều tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, cả về quy mô, tính chất và phạm vi.
Theo ông Trần Đức Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, để đối phó với việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thực hiện nhiều thủ đoạn tinh vi như: chia nhỏ hàng hóa vi phạm và vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện khác nhau, sử dụng nhiều biển kiểm soát xe cũng như thay đổi tuyến đường vận chuyển, sử dụng phương thức hàng ký gửi, dùng chứng từ hợp pháp để quay vòng nhiều lần hoặc lấy lý do không mang theo chứng từ, khai không đúng chủng loại, số hàng. Đáng chú ý hiện nay, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại còn lợi dụng triệt để thương mại điện tử để mua bán hàng hóa qua mạng.
Thời gian qua, hầu hết các vụ việc vi phạm được phát giác diễn ra trên các tuyến đường trọng điểm như QL 1A và QL 19 qua địa bàn tỉnh. Trong đó, nổi lên tình trạng buôn lậu thuốc lá qua tuyến QL 19 hướng từ Gia Lai về Quy Nhơn, với phương tiện vận chuyển là ô tô con, xe tải. Đơn cử tháng 5.2018, trên QL 19 qua địa bàn huyện Tây Sơn, lực lượng chức năng phát hiện ô tô con BKS 47A-128.25 đi từ hướng Gia Lai xuống Bình Định chở 10.500 gói thuốc lá nhập khẩu nhãn hiệu Jet và Hero, lái xe và người đi trên xe không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Cần sự chủ động, quyết liệt hơn
Trung tá Nguyễn Trần Xuân Vương, Trưởng Trạm CSGT Tuy Phước, CA tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, việc phối hợp của các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh, phòng chống hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn khá thuận lợi. Với chức năng của mình, đơn vị đã hỗ trợ kịp thời trong việc dừng phương tiện lưu thông trên tuyến và địa bàn phụ trách để kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, nhờ đó mà số vụ vi phạm về hàng lậu trong 6 tháng đầu năm 2018 đã giảm so với cùng kỳ. Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả, cần sự chủ động của các cơ quan, đơn vị liên quan”.
Theo ông Trần Đức Tiến, việc đấu tranh với loại tội phạm này còn gặp không ít khó khăn, bởi hệ thống văn bản pháp luật liên quan chưa đồng bộ, còn chồng chéo. Nhận thức về công tác đấu tranh chống buôn lậu tuy đã nâng lên song có lúc, có nơi chưa được quán triệt đầy đủ và thống nhất giữa các ngành, địa phương. Lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn khi liên hệ và phối hợp với các DN trong việc cung cấp thông tin, hỗ trợ phát hiện trong kiểm tra, xử lý; các thiết bị, phương tiện nghiệp vụ được trang bị chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh đó, lực lượng trực tiếp làm công tác này vẫn còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn nghiệp vụ nên việc nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh còn hạn chế.
Để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới, ông Trần Đức Tiến cho hay: “Chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố lực lượng làm công tác này theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức tiếp tay, dung túng hoặc có biểu hiện tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động rà soát, đề xuất, kiến nghị sửa đổi bổ sung “kẽ hở” trong các quy định thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành để hỗ trợ lực lượng chức năng các cấp nâng cao hiệu quả công tác này”.
KIỀU ANH