Không dễ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Thực tiễn thi hành biện pháp đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc gặp rất nhiều vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật.
Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH, từ năm 2000 đến hết năm 2013, Cơ sở Cai nghiện ma túy (trước đây là Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội) tiếp nhận 157 người cai nghiện ma túy bắt buộc. Từ đầu năm 2014 (khi các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 bắt đầu có hiệu lực) đến nay, chỉ vỏn vẹn… 1 người đưa vào cơ sở này (năm 2017).
Chăm sóc y tế cho người nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy.
Nhiều bất cập
Việc xác định nơi cư trú là một điểm vướng trong quá trình đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Thế Vy, nhiều trường hợp người nghiện ma túy không cư trú hoặc sinh sống ổn định ở một nơi mà di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác, hoặc tham gia vào những nhóm sử dụng ma túy và thường xuyên thay đổi địa điểm sinh hoạt, hút chích ma túy. “Trong quy định xác minh nơi cư trú của người nghiện ma túy, tiêu chí “thường xuyên đi lang thang” chưa được xác định cụ thể là thế nào nên chưa thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện”, bà Vy cho biết.
Về xác định điều kiện là người nghiện ma túy, Thông tư số 17/TTLT-BYT-BLĐ-BCA quy định thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy, nhưng chưa quy định cụ thể về cơ sở pháp lý, hình thức đưa người nghiện đi xác định tình trạng nghiện ma túy. Đồng thời, theo Thông tư, để theo dõi xác định tình trạng nghiện cần phải mất 3 - 5 ngày, trong khi thời gian tạm giữ người vi phạm hành chính không quá 24 giờ. Như vậy, chưa đủ thời gian để xác định tình trạng nghiện mà mới chỉ xác định được việc sử dụng ma túy.
“Bên cạnh đó, lại có những người được đưa vào cơ sở để cắt cơn, giải độc nhưng bản thân họ lại chưa bị lệ thuộc vào ma túy vì mới sử dụng lần đầu. Nguyên nhân là họ không có nơi cư trú ổn định, chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục ở xã, phường, thị trấn và khi xét nghiệm lại dương tính với ma túy nên vẫn thuộc đối tượng đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”, Phó trưởng phòng Kiểm sát việc giải quyết án hành chính - kinh tế - lao động (Viện KSND tỉnh) Nguyễn Thị Thanh Thủy cho hay.
Chưa hết, pháp luật quy định khi đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì phải đủ các trình tự, thủ tục và qua nhiều cấp, nhiều cơ quan: CA xã, CA huyện, Phòng Tư pháp, Phòng LĐ-TB&XH, TAND huyện. “Chính vì vậy, việc kiểm sát hồ sơ đề nghị cũng liên quan đến nhiều cơ quan, nhiều ngành khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan trong lĩnh vực này chưa được chặt chẽ và còn nhiều hạn chế”, bà Thủy nhận định.
Tăng cường tuyên truyền, phối hợp
Để nâng cao hiệu quả thi hành biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy cho rằng cần xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp; định kỳ tổ chức họp liên ngành để bàn bạc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó là thống nhất đơn vị đầu mối quản lý các đối tượng vi phạm hành chính, theo dõi các đối tượng nghiện ma túy.
Bà Nguyễn Thị Thế Vy đề nghị ngành CA phối hợp với các huyện, thành phố, thị xã và cấp cơ sở thường xuyên rà soát, thống kê số đối tượng ma túy trên địa bàn tỉnh. Từ đó, có các giải pháp nghiệp vụ nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả các hành vi phạm tội về ma túy, sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành Y tế nghiên cứu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị nghiện các chất ma túy hiệu quả nhất và đơn giản, dễ thực hiện, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. “Quan trọng là xây dựng tài liệu và tập huấn cho cán bộ y tế cấp xã về chẩn đoán nghiện. Bố trí kinh phí hỗ trợ địa phương, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng theo Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy. Thành lập các điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng gắn với việc cấp phát hoặc bán thuốc cho người điều trị nghiện”, bà Vy nói.
Một giải pháp khác là tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường công tác tuyên truyền (tập trung trong cộng đồng dân cư và học sinh, sinh viên về cách nhận biết nhanh người nghiện, người sử dụng ma túy), không để phát sinh người nghiện mới tại các địa phương. Đồng thời, tăng cường quản lý, giáo dục, can thiệp, trợ giúp đối với số người nghiện tham gia đợt vận động cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng vừa qua; không để họ tái nghiện sau khi đã cắt cơn, giải độc.
Tính đến hết tháng 6.2018, toàn tỉnh có 386 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; so với đầu năm 2018 tăng 4 người, so với cùng kỳ năm 2017 tăng 55 người.
MAI LÂM