Về một chữ “sào”
Nhiều người đều biết hoặc dùng qua món yến sào. Tuy nhiên, không phải ai cũng rõ “sào” trong tên gọi “yến sào” là gì. Thậm chí, có người còn nghĩ, “yến sào” là do đọc lệch từ “yến xào” mà thành. Thật ra, “sào” trong từ này không liên quan gì đến “xào nấu” cả.
Trong tiếng Hán có nhiều chữ “sào”. “Sào” trong “yến sào” thuộc bộ xuyên, tự dạng gồm bộ xuyên ở trên, chữ quả ở dưới, biểu thị hình ảnh tổ chim (phương thức tượng hình). Nghĩa gốc của chữ này là “ổ, tổ”. Cho nên, trong tiếng Hán có “điểu sào” là “tổ chim”, “phong sào” là “ổ ong”… “Yến sào” được đối dịch trong tiếng Việt là “tổ yến”, tức “tổ của chim yến”. Ở nước ta, từ lâu đời, yến sào được xếp vào hàng “bát trân” (tám loại thức ăn quý).
Trở lại với hình vị “sào”. Khi vào tiếng Việt, nó không thể trở thành từ được (vì trong tiếng Việt đã có “tổ”, “ổ” với nghĩa tương đương rồi). “Sào” chỉ là hình vị phụ thuộc, nó không hoạt động độc lập được như từ, mà chỉ tồn tại bên cạnh những hình vị khác và quy định nét nghĩa “tổ”, “ổ”. Số lượng kết hợp này trong tiếng Việt cũng rất ít. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 1992) cũng ghi nhận chỉ có một trường hợp là “sào huyệt”. Từ này được đối dịch trong tiếng Việt là “hang ổ”, được dùng với nghĩa ẩn dụ chỉ “nơi tụ tập, ẩn nấu của bọn trộm cướp, bọn người nguy hiểm” (tr.835).
Ta còn nhớ, nhà yêu nước Phan Bội Châu trước vốn có hiệu Hải Thụ, sau đổi thành Sào Nam. Ông có tác phẩm lấy hiệu này là Sào Nam văn tập (văn tập của Sào Nam). “Sào” trong hiệu của cụ cũng có nghĩa là “tổ” và cả tên hiệu của Sào Nam tiên sinh được lấy ý từ câu “Việt điểu sào Nam chi”, nghĩa là “chim Việt làm tổ ở cành Nam” (sào trong câu này đã chuyển loại, danh từ bị chuyển thành động từ [tổ à làm tổ] . Chim Việt vốn ở đất Việt, mùa thu di cư lên phương Bắc. Tuy vậy, khi làm tổ ở phương xa, chúng lại chọn cành cây hướng về phương Nam đất Việt. Lấy hiệu từ điển này, cụ Phan hàm ý muốn nói đến tấm lòng luôn nhớ nghĩ về Tổ quốc của mình.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ