Hội chứng… “muốn nghèo”!?
Nhận định “các chính sách giảm nghèo khiến người dân bị động “hưởng lợi”, không muốn thoát nghèo, thậm chí phản ứng dữ dội nếu bị ra khỏi diện nghèo” được đưa ra tại phiên giải trình về phân bổ nguồn lực và cơ chế điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội hôm 24.9 là một vấn đề rất đáng quan tâm.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền hiện tỉ lệ hộ nghèo từ 58% dân số năm 1993, đến nay đã giảm xuống còn khoảng 7,8%. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn những thách thức như kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tỉ lệ tái nghèo còn cao; gần 50% hộ nghèo tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu, số hộ nghèo ở đô thị cũng tăng lên trước những cú sốc kinh tế… Người đứng đầu ngành LĐTB&XH cũng thừa nhận việc người nghèo có biểu hiện ỷ lại vào các chương trình, chính sách là có thật. Do bắt nguồn từ chính sách hỗ trợ cho người nghèo thoát nghèo chủ yếu là chính sách hỗ trợ trực tiếp. Người trong diện nghèo được chu cấp đất ở, học tập, bảo hiểm y tế, cho vay vốn…, gần đây mới có chính sách đào tạo việc làm cho người nghèo. Vì vậy, hiện nay Bộ đang nghiên cứu giảm những chính sách hỗ trợ trực tiếp các hộ nghèo, thay vào đó là hỗ trợ có điều kiện, cũng như các chính sách, giải pháp với hộ cận nghèo.
Có lẽ, trước tình trạng không muốn thoát nghèo, kiên quyết không ra khỏi diện hộ nghèo thì việc điều chỉnh chính sách là cần thiết. Tuy nhiên, ở một phương diện khác thì chúng ta thấy hội chứng này là “có vấn đề”. Chúng ta đều biết dân ta có truyền thống tự trọng rất cao. Từ xưa, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng tâm lý chung là vẫn tự mình nỗ lực vươn lên tạo lập cuộc sống, rất ít ai muốn sống dựa dẫm vào người khác. Vì thế, đã từng có không ít trường hợp rất nghèo, nhưng khi xét những hộ nghèo người ta vẫn cố tránh việc xếp vào diện hộ nghèo. Và khi buộc phải có tên trong danh sách ấy thì họ rất lấy làm ái ngại, khổ tâm. Trong khi giờ đây thì ngược lại, không ít người đang trong độ tuổi lao động, có việc làm và thu nhập đủ sống thì lại tìm mọi cách, thậm chí “chạy chọt” để ở lại diện “hộ nghèo” (!). Không chỉ những người muốn hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Nhà nước mà không muốn thoát nghèo, hiện nay còn có tình trạng các xã xin được ở lại, xin được vào diện “xã 135” để nhận được sự hỗ trợ rất lớn và nhiều quyền lợi ưu tiên của Chính phủ. Và nếu được thì họ lấy làm sung sướng và mãn nguyện như đạt được một “thành tích” cho địa phương (!).
Chúng ta cần nhất quán quan điểm người nghèo, xã nghèo rất cần nhận được sự ưu đãi, tạo điều kiện và chăm lo của toàn xã hội để thoát nghèo và vươn lên. Tuy nhiên, cần lên án và có biện pháp đối với việc cố tình trông chờ vào chính sách đãi ngộ, tâm lý không lành mạnh để được là “hộ nghèo”, “xã nghèo”. Đồng thời, đã đến lúc phải rà soát, tính toán lại phương thức trợ giúp thoát nghèo, sao cho chính sách thật sự là động lực chứ không phải tạo ra sức ỳ trong sự phát triển.
Đất nước chỉ có thể phát triển và phồn thịnh khi những người dân cần cù tần tảo, chịu thương chịu khó, thắt lưng buộc bụng kiến tạo tương lai. Và sẽ là ngược lại nếu vẫn còn đó quá nhiều người có tư tưởng trông chờ ỷ lại, làm mọi cách để được công nhận “hộ nghèo”, “xã nghèo”… để hưởng lợi không chính đáng.
DANH CHÍNH
Tôi sống ở vùng nông thôn và cũng hay đi về thăm chơi các vùng nông thôn. Tôi cảm nhận rằng: chưa bao giờ mà đạo đức của dân ta suy đồi đến độ, không coi cái nghèo là cái nhục, mà lại coi đó là may mắn, được hưởng lợi lộc. Ai đời mà xét chọn hộ nghèo mà dành nhau, lời ra tiếng vào, người này được người kia không được...trở thành quá phổ biến ở trong bất cứ làng quê nào. Chính cách làm thiếu chặt chẽ của nhà nước trong việc xét hộ nghèo, cách thức hỗ trợ cho hộ nghèo....dẫn tới tình trạng này. Không ít hộ, được trở thành hộ nghèo coi như nằm không hưởng "bổng lộc", chẳng muốn nỗ lực vươn lên, cứ tàn tàn, hoặc giả bộ có làm nhưng thất bại. Xóm làng chẳng ai phê bình, coi như chấp nhận: kệ! nó hưởng được gì của nhà nước thì hưởng ! Lẽ ra, phải cảm thấy rằng: nhà mình nghèo, dòng tộc của mình còn một hộ nghèo là cái nhục. Con cháu mình đi học mang tiếng là hộ nghèo cũng xấu hổ lắm chứ ! Nhục để mà cố vươn lên thoát nghèo! Đó mới chính là đạo đức !