10 năm Gặp gỡ Việt Nam - Bình Định: Hội ngộ khoa học nơi “đất lành”
Ngày 5.8.2008, đúng 10 năm trước, một cuộc gặp “lịch sử” đã diễn ra tại Văn phòng UBND tỉnh giữa vợ chồng GS Trần Thanh Vân (Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam) - GS Lê Kim Ngọc (Chủ tịch Hội Giúp đỡ Trẻ em Việt Nam tại Pháp) với lãnh đạo tỉnh. Nói là “lịch sử”, bởi nó khởi đầu cho hành trình in dấu trên đất Bình Ðịnh của Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam - tổ chức khoa học uy tín mang tầm quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (bên trái) trong chuyến thăm, làm việc với Trung tâm ICISE tháng 5.2018. Ảnh: HOÀNG TÙNG
Cơ và duyên
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vũ Hoàng Hà chia sẻ, ngày 5.8.2008 ghi dấu ấn đặc biệt trong những năm tháng ông làm lãnh đạo tỉnh. “Khi GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc trình bày về ý tưởng thành lập Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại Bình Định, lúc đó trong suy nghĩ tôi không biết Trung tâm sẽ theo mô hình thế nào, hoạt động ra sao. Tôi rất lúng túng và đã đề nghị GS Trần Thanh Vân trình bày cụ thể hơn”, ông bồi hồi nhớ lại.
Sau khi nghe rõ ngọn nguồn, ông Vũ Hoàng Hà còn tham vấn ý kiến của các nhà khoa học lớn trong nước để rồi đi đến quyết tâm giữ chân bằng được hai nhà khoa học “vì khoa học, vì Việt Nam”. Thế nên, ông đã có câu nói nổi tiếng với GS Vân, rằng: “Nếu cần thì thầy có thể lấy trụ sở của Văn phòng UBND tỉnh này để làm Trung tâm cũng được. Tôi sẽ dời trụ sở đi nơi khác”.
Trong cuộc gặp mặt đầu tiên, vợ chồng GS Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc đã trình bày rằng, có nhiều nơi đề nghị rồi, song ông bà muốn làm việc một cách khoa học, tìm hiểu nhiều nơi rồi mới định đoạt tùy theo tinh thần hợp tác của các lãnh đạo ở các nơi. Quy Nhơn là một trong 5 nơi ở miền Nam mà ông bà “để ý” và muốn tìm hiểu, bởi dự án cần thực hiện bên bờ biển như một nơi để các nhà khoa học suy ngẫm, sáng tạo.
TS. Nguyễn Thị Minh Phương - nguyên Trưởng khoa Vật lý (Trường ĐH Quy Nhơn) là người đồng hành với vợ chồng GS Trần Thanh Vân trong những ngày đầu khảo sát địa điểm bên bờ biển Ghềnh Ráng ngày ấy còn rất hoang sơ. “Giữa trưa hè nắng gắt mà vợ chồng giáo sư đi băng băng trên cát, còn tôi và một anh giáo viên của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tụt lại sau. Thật khâm phục nghị lực của các nhà khoa học”, TS Phương nhớ lại.
Trung tâm ICISE là nhịp cầu nối khoa học thế giới với khoa học trong nước. Ảnh: V.L
Năm lần bảy lượt đi thực tế từ nhiều phía của khu vực Trung tâm ICISE ngày nay, vợ chồng giáo sư nhìn bao quát, cảm nhận đầu tiên của những người đi trong đoàn nhận thấy là giáo sư rất ưng ý. Với con mắt của nhà khoa học từng đi nhiều nơi, GS Trần Thanh Vân đã nghĩ đến một trung tâm khoa học giống như Trung tâm Cargèse (Corsica) trên bờ biển Méditerranée (Pháp) - trung tâm mà GS Vân đã tham gia lớp học khoa học hè đầu tiên cùng thầy mình năm 1958 - một nơi thật đẹp bên bờ biển dành cho các nhà khoa học.
Lợi thế và đặc trưng
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, để xây dựng được ICISE là sự cố gắng và hỗ trợ tích cực của các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh với mục đích đưa dự án này vào hoạt động sớm nhất. “Có thể nói đây là điều ấn tượng nhất của dự án này. Trong một thời gian ngắn, chỉ 8 tháng, công trình ICISE và các hạng mục hạ tầng phụ trợ đã xây dựng hoàn thành và khánh thành, đưa vào hoạt động ngày 12.8.2013. Tốc độ xây dựng của dự án thể hiện quyết tâm của lãnh đạo tỉnh và các đơn vị liên quan đối với dự án tâm huyết của GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc”, ông Dũng chia sẻ.
Đúng như mong đợi của lãnh đạo tỉnh, 10 năm trên đất Bình Định, ICISE đã làm nên những con số “biết nói” với 40 hội nghị khoa học quốc tế đỉnh cao và 16 trường hè khoa học chuyên đề thu hút sự tham gia của hơn 3.500 nhà khoa học quốc tế; trong đó có 12 nhà khoa học đoạt giải Nobel, 2 nhà khoa học đoạt giải Fields, 2 giáo sư đoạt giải Kavli (giải thưởng cao nhất lĩnh vực thiên văn học)… cùng nhiều nhà khoa học danh tiếng khác.
Những cuộc gặp gỡ tại ICISE hun đúc thêm niềm đam mê với khoa học cho các nhà khoa học trẻ, sinh viên Việt Nam.
- Trong ảnh: Một trường hè khoa học được tổ chức trong chương trình Gặp gỡ Việt Nam năm 2018. Ảnh: MAI HOÀNG
Hơn thế, đây còn là nhịp cầu nối khoa học thế giới với khoa học trong nước, nơi không chỉ có những quan hệ hợp tác, mà còn là nơi để các nhà khoa học danh tiếng trở về. Như lời tâm sự của GS. Jerome Friedman - giải Nobel Vật lý năm 1990 - khi lần thứ 3 ông trở lại Bình Định: “Bắt đầu từ tình cảm với những người bạn khoa học như Vân và Ngọc; rồi chúng tôi đến Việt Nam - Bình Định khi cảm nhận được sự quan tâm của các bạn dành cho khoa học”.
ICISE cũng đã tiên phong thành lập Viện nghiên cứu Khoa học và giáo dục liên ngành trực thuộc với hai nhóm nghiên cứu đầu tiên là Vật lý lý thuyết và Vật lý Neutrino. Viện nghiên cứu nhỏ này đã thu hút một số nhà nghiên cứu khoa học người Việt Nam đang công tác ở nước ngoài về Bình Định làm nghiên cứu và đã đào tạo được một số sinh viên đi theo con đường nghiên cứu khoa học. Trong đó, có 3 sinh viên đã nhận được học bổng tiếp tục học trình độ tiến sĩ tại các nước Pháp, Thụy Sỹ và Ý.
Đặc biệt, Tỉnh ủy đã có chủ trương và UBND tỉnh đã từng bước hiện thực hóa các ý tưởng xây dựng Khu Đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa trên diện tích 242 ha, bao gồm các khu công viên khoa học, công viên phần mềm, các dự án khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đào tạo chất lượng cao…
“Chúng tôi quyết tâm chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự tham mưu của các sở, ngành để trình Chính phủ xin cơ chế đặc biệt cho không chỉ ICISE mà còn cho cả Khu Đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa nói chung. Phát triển khoa học, du lịch khoa học là một hướng đi đặc biệt của Bình Định dựa trên nền tảng và tiềm năng của ICISE và Khu Đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa mang lại. Đây là một lợi thế và đặc trưng mà khó có một địa phương nào trên cả nước có được”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng khẳng định.
* Nguyên Bí thư Tỉnh ủy VŨ HOÀNG HÀ: “Bây giờ khu Quy Hòa đã được quy hoạch lại chỉn chu, hạ tầng tốt sẽ có nhiều nhà đầu tư vào. Tuy nhiên, cần hết sức chú ý trong thu hút đầu tư và lưu ý rằng cái hồn, cốt của khu vực này là ICISE. Nhà đầu tư nào tuân thủ quy hoạch và hoạt động đúng mục đích khoa học, công nghệ, giáo dục cao cấp thì chúng ta ủng hộ. Nếu nhà đầu tư nào có những động thái làm ảnh hưởng đến khu ICISE của GS Trần Thanh Vân thì phải tính kỹ”.
* Chủ tịch UBND tỉnh HỒ QUỐC DŨNG: “Từ những thành công ấn tượng trong hoạt động của Hội Gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm ICISE, tỉnh Bình Ðịnh đang xúc tiến xây dựng đề án thành lập khu đô thị khoa học với những cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút các dự án khoa học công nghệ; sắp tới đây sẽ trình các bộ, ngành Trung ương. Tỉnh sẽ xúc tiến cùng Hội Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm ICISE xây dựng đề án thành lập một viện nghiên cứu độc lập - đây là ước mơ, trăn trở của vợ chồng GS Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc, cũng như của tỉnh. Việc hình thành một viện nghiên cứu độc lập sẽ tập hợp nhiều nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam, với sự giúp đỡ của các nhà khoa học thế giới, trong đó có những nhà khoa học đoạt các giải thưởng Nobel danh giá. Cho chúng ta sự kỳ vọng, một ngày không xa sẽ có những sản phẩm khoa học ra đời từ chính thung lũng khoa học sáng tạo Quy Nhơn”.
* Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam TRẦN THANH VÂN: “Chúng tôi luôn mong ước trong một tương lai không xa, từ lõi ban đầu là ICISE, đến Trung tâm khám phá khoa học, rồi các DN công nghệ, các viện nghiên cứu sẽ được hình thành để biến khu đất Quy Hòa trở thành một khu đô thị khoa học và giáo dục hoạt động hiệu quả đầu tiên của Việt Nam, biến Quy Nhơn thành “viên ngọc” về khoa học của Việt Nam trong tương lai”.
MAI HOÀNG