Trầm cảm sau sinh
Bên cạnh niềm vui có con, nhiều người mẹ hiện đang phải đối mặt với hội chứng trầm cảm sau sinh với những thay đổi lớn về tâm lý, sinh lý. Do đó, họ rất cần sự quan tâm, thấu hiểu và chia sẻ từ người thân và những người xung quanh.
Biến đổi về tâm sinh lý
Sau khi sinh, chị Nguyễn Hoàng Phương Dung (27 tuổi, KV8, phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) gần như bị “cách ly” với thế giới xung quanh. Người thân buộc chị ở cử không được đi lại nhiều, tiếp xúc với mọi người. Chồng chị thì công việc bận bịu nên ít trò chuyện rồi còn sốc vì thân hình sồ sề, cơ thể có mùi hôi vì không được tắm gội thường xuyên, tóc tai rối bời. “Ở cử mới vài ngày, lúc nào tôi cũng cảm thấy tủi thân nên thường xuyên khóc và sau đó chỉ cần nghĩ đến việc gì đó là khóc ngay không thể kiểm soát. Tôi khóc vì chồng mình đi làm về trễ, khi cảm thấy mệt mỏi, thậm chí khóc khi thấy căn phòng ở bừa bộn mà không ai dọn dẹp”, chị Dung kể. Còn chị Lê Hồng Đào (31 tuổi, ở TX An Nhơn) chia sẻ: “Con hay bị sặc sữa, lại ngủ rất ít, cả đêm gần như thức trắng, khóc ầm ĩ, bắt ba mẹ bế và ẵm đi khắp nhà. Khi con ngủ, tôi cũng không ngủ nổi vì đã qua giấc, phần lo sợ con bị sặc, đái ướt. Cứ thế làm tâm tính tôi bắt đầu thay đổi”. Và trường hợp chị Dung, chị Đào gần như bà mẹ nào khi sinh cũng mắc phải.
Theo các chuyên gia, sau sinh, cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi đột ngột về nội tiết (estrogen, progestrogen và hoóc môn tuyến giáp suy giảm) dễ dẫn đến cảm giác mệt mỏi, trầm cảm. Bên cạnh đó, thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa lúc này cũng biến đổi, dẫn đến những bất ổn về cảm xúc. Ngoài ra, các chị còn gặp phải khó khăn trong việc chăm sóc bé hoặc tình trạng trầm cảm trở lên trầm trọng nếu thời điểm ấy gia đình lại có mâu thuẫn hay có khó khăn về tài chính. Triệu chứng thường gặp nhất của trầm cảm sau sinh là thường xuyên cảm thấy lo lắng, hốt hoảng, mất tập trung, mệt mỏi, buồn chán, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể. Căng thẳng thường xuyên khiến họ dễ rơi vào tình trạng mất ngủ trường kỳ, mất đi ham muốn “chuyện ấy” và thường né tránh quan hệ tình dục với chồng.
Cần được quan tâm và chia sẻ
Về cơ bản, trầm cảm sau sinh là tình trạng rối loạn cảm xúc tiêu cực, liên quan đến những suy nghĩ, cảm giác mệt mỏi, buồn chán và lo lắng xuất hiện sau sinh. Dạng trầm cảm này có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể thoáng qua hoặc kéo dài, thậm chí có thể không tự hết nếu không có biện pháp can thiệp.
Theo một thống kê công bố gần đây, tỉ lệ phụ nữ bị trầm cảm chiếm khoảng 15% trong 3 tháng đầu và 15 - 25% trong 12 tháng sau sinh. Tuy nhiên, các biểu hiện trầm cảm ban đầu thường không được gia đình ghi nhận và để ý. Chỉ đến khi nhiều hậu quả đau lòng xảy ra, mọi người mới nghĩ lại về các dấu hiệu gợi báo của bệnh. Mới đây, trong chuyến công tác tại Trại giam Kim Sơn, thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an, đóng tại xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tôi gặp một nữ phạm nhân tên N.V.T, 25 tuổi, với tội danh cố ý giết người. Trong lúc gần sinh thì N.V.T ly thân với chồng và về ở với mẹ ruột. Sau khi sinh con, N.V.T không có nghề nghiệp ổn định và đã ly dị chồng nên tỏ ra ganh ghét với vợ chồng anh ruột ở cùng nhà, rồi nảy ý định bỏ thuốc diệt chuột vào thức ăn để giết con của vợ chồng người anh. May mắn, chị dâu nghi ngờ đổ thức ăn đi nhưng N.V.T phải trả giá cho bản án hơn 5 năm tù. “Khi ấy, có lẽ em bị trầm cảm nặng, vì lo sợ con em sinh ra không có cha sẽ không được chăm sóc chu đáo nên mới có sự ganh ghét và có hành vi hại cháu mình. Giờ mọi người trong gia đình em hiểu và không trách móc gì nữa, họ thường xuyên đến thăm em và chăm sóc con của em chu đáo”, N.V.T nói trong nước mắt.
Tiến sĩ, bác sĩ - giảng viên bộ môn Nhi Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Phạm Diệp Thùy Dương đang phụ trách khóa xóa bỏ trầm cảm sau sinh trên trang kyna.vn, tư vấn: “Để phòng chống trầm cảm sau sinh, ngay từ khi mang thai, cả vợ và chồng cần học cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Phụ nữ cũng cần học cách thư giãn và nghỉ ngơi, tránh căng thẳng, mệt mỏi trước và sau sinh. Khi thấy quá sức, phụ nữ cần chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ của người thân, tránh tình trạng kiệt sức vì gồng mình. Đồng thời, họ rất cần nhận được sự quan tâm, thấu hiểu, chia sẻ từ những người thân xung quanh để giúp vượt qua giai đoạn nhạy cảm này. Phụ nữ cũng cần cho con bú sữa mẹ sau sinh vì việc này sẽ làm tăng sợi dây liên kết giữa mẹ và con, khiến người mẹ cảm thấy yêu con, yêu cuộc sống hơn. Khi phát hiện người mẹ sau sinh có dấu hiệu bất thường về tâm lý, gia đình cần cân nhắc việc đưa tới khám bác sĩ chuyên khoa. Vì điều trị càng sớm sẽ càng đạt được hiệu quả cao”.
HẢI YẾN