Ðiều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần: Phương pháp mới, hiệu quả cao
Suy giãn tĩnh mạch chân (chi dưới) là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng gây khó khăn cho việc di chuyển của bệnh nhân, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Việc điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần (RFA) được cho là có thể giải quyết tận gốc chứng bệnh này.
Sáng 3.8, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bộ Y tế) phối hợp với Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) khám sàng lọc và tư vấn điều trị cho các bệnh nhân có triệu chứng bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Trong số hơn 90 người đăng ký có 42 người được thăm khám, và có 40 người được chẩn đoán bị suy giãn tĩnh mạch. Cùng ngày, một số bác sĩ Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa đã được nghe, trao đổi về những thông tin liên quan đến bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới cũng như phương pháp điều trị bằng sóng cao tần.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải siêu âm chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chi dưới cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa.
Tỉ lệ người mắc cao
Theo thạc sĩ - bác sĩ CKII Nguyễn Tuấn Hải, chuyên khoa Tim và mạch máu, Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), một số thống kê cho thấy, có từ 15 - 20% người trưởng thành bị suy giãn tĩnh mạch. Tỉ lệ mắc bệnh này ở người trên 65 tuổi là trên 50%. Nhóm người thường bị suy giãn tĩnh mạch gồm: người có bố, mẹ từng bị suy giãn tĩnh mạch (có yếu tố di truyền); người cao tuổi; làm nghề thường phải ngồi hoặc đứng nhiều; công việc thường xuyên tiếp xúc nhiệt độ cao… Do đó, một số người làm các ngành nghề được cho có khả năng bị suy giãn tĩnh mạch cao gồm: cắt tóc, thợ may, nhân viên y tế, đầu bếp… Riêng giáo viên được xếp ở mức nguy cơ cao, khi có khoảng 40% người mắc.
“Người bị suy giãn tĩnh mạch thường có triệu chứng tê chân, chân sưng đau, nặng, chuột rút, có cảm giác như kiến bò… Trong đó, một số triệu chứng giống với bệnh khớp và thần kinh. Dấu hiệu dễ nhận biết suy giãn tĩnh mạch chi dưới là thấy các búi giãn tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo trên chân như giun; nặng hơn là chân sưng phù, sạm da ở vùng cẳng bàn chân. Biến chứng nặng nhất của bệnh này là có thể gây viêm loét, ảnh hưởng đến khả năng lao động và tốn kém chi phí điều trị. Hàng năm, tại Mỹ bệnh nhân đã phải chi ra khoảng 1 tỉ USD để điều trị chứng viêm loét do suy giãn tĩnh mạch”, bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải thông tin thêm.
Kỹ thuật mới nhiều ưu điểm
Hiện nay, có nhiều cách điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới, trong đó có phương pháp điều trị nội khoa, dùng tất áp lực phối hợp với thuốc và các bài tập vận động. phẫu thuật là phương pháp lâu đời và triệt để nhất, nhưng để lại sẹo, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và có nhược điểm là thời gian điều trị kéo dài. Do đó, phương pháp can thiện nội tĩnh mạch được cho là cách thay thế hiệu quả. Nguyên tắc của phương pháp này là dùng nhiệt (sóng cao tần laze) để gây đóng tĩnh mạch, làm các búi giãn tĩnh mạch xẹp đi và biến mất.
Ưu điểm của phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần là thực hiện nhẹ nhàng, ít đau, sau can thiệp bệnh nhân có thể xuất viện ngay và đi lại bình thường, không để lại sẹo. Dẫu vậy, kỹ thuật này cũng có nhược điểm là chi phí cao so với phẫu thuật.
Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, Viện Tim mạch quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) là bệnh viện công lập đầu tiên thực hiện kỹ thuật điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần, cũng là cơ sở duy nhất chuyển giao, đào tạo bác sĩ thực hiện kỹ thuật này. Đây là kỹ thuật mà tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh trở lên đều có thể áp dụng nếu hội đủ các điều kiện chuyên môn. Kể từ khi triển khai điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần năm 2011 đến nay, Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận 100% bệnh nhân không tái phát.
Bác sĩ Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, cho hay: “Hiện nay chúng tôi đang tìm hiểu về phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần, trong thời gian tới, nhiều khả năng bệnh viện sẽ cử bác sĩ đi tập huấn kỹ thuật này và trang bị máy móc cần thiết để triển khai tại cơ sở. Trước mắt, chúng tôi dự kiến sẽ phối hợp tổ chức điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa cho bệnh nhân vào cuối năm 2018”.
LÊ CƯỜNG