Phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu
Bệnh viêm não, màng não do não mô cầu lưu hành ở mọi nơi trên thế giới. Đây là căn bệnh tuy ít gặp nhưng lây lan nhanh, có khả năng phát triển thành dịch vì lây qua đường hô hấp, qua dịch mũi, họng khi người bệnh ho, hắt hơi; lây gián tiếp qua tiếp xúc. Bệnh thường xảy ra ở những nơi đông người, điều kiện sống chật chội, kém vệ sinh, thường vào những tháng mùa lạnh và lúc giao mùa.
Bất cứ ai, ở độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu, nhưng trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh nhất.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Oanh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (BVĐK tỉnh), cho biết: Đối với triệu chứng sớm người bệnh sốt cao 39 - 400C, buồn nôn và nôn, cáu gắt, ăn không ngon hoặc bỏ ăn, đau đầu, chóng mặt, đau họng, chảy nước mũi. Triệu chứng đặc hiệu (xuất hiện muộn) như: ban đỏ vùng da mỏng, đầu chi; cứng gáy, đau cổ, co cứng; sợ ánh sáng; mê sảng, lú lẫn; co giật kiểu động kinh; mất ý thức, rối loạn cảm giác.
Bệnh viêm màng não mô cầu có những biến chứng nặng nề như rối loạn tâm thần, chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt, động kinh. Người bệnh có thể phải cắt bỏ các chi, các ngón tay, ngón chân do xuất huyết hoại tử gây ra. Bệnh có thể biến chứng sang nhiễm trùng huyết, viêm phổi, khớp xương (viêm khớp), suy tuyến thượng thận.
Để phòng bệnh, nếu trẻ chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh mà sống gần vùng có người mắc bệnh viêm não mô cầu thì cần phải giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ; thường xuyên rửa tay chân bằng xà phòng diệt khuẩn, hướng dẫn trẻ súc miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày. Đảm bảo vệ sinh nơi ăn ở của trẻ luôn thông thoáng, sạch sẽ. Hạn chế cho trẻ tiếp xúc chỗ đông người, nhất là với người mắc bệnh về hô hấp.
Khi trẻ có biểu hiện của bệnh nên đưa ngay đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Với những trẻ đã đủ tuổi tiêm nên đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch để bảo vệ tốt nhất.
THU PHƯƠNG (Trung tâm TT - GDSK tỉnh)