HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ TRẺ EM, GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC, XÂM HẠI TRẺ EM:
Bảo vệ trẻ là nhiệm vụ chiến lược của cả hệ thống chính trị
(BĐ) - Ngày 6.8, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em, giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Điểm cầu Hà Nội, Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Cùng dự Hội nghị, có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em. Tại điểm cầu Bình Định, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị về công tác bảo vệ trẻ em, giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại điểm cầu Bình Định.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, mỗi năm, trung bình Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết. Số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm hơn 60% trong số này. Theo kết quả phân tích từ 479 ca can thiệp cho trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục từ năm 2015 đến tháng 4.2018, tỷ lệ trẻ bị xâm hại tình dục bởi người thân là 21,3%; bởi giáo viên, nhân viên nhà trường là 6,2%; bởi người quen, hàng xóm là 59,9%. Từ năm 2016 đến cuối tháng 3.2018, Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý 3.272 vụ xâm hại trẻ em với 3.468 bị cáo. Đã giải quyết 3.110 vụ với 3.285 bị cáo, tỷ lệ 95% số vụ và 94,7% số bị cáo.
Công tác bảo vệ trẻ em vẫn còn nhiều hạn chế khi nhiều quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan đến bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, kiến nghị hoàn thiện. Tầm quan trọng, tính cấp bách của công tác bảo vệ trẻ em được cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn tại một số địa phương chưa được nhận thức đẩy đủ. Hệ thống nhân lực làm công tác quản lý nhà nước và bảo vệ trẻ em ở các cấp còn thiếu về số lượng, thường xuyên thay đổi. Công tác giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội thành viên đối với thực thi pháp luật, chính sách bảo vệ trẻ em chưa quyết liệt, chưa kịp thời.
Nguồn: BTV
Chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Ông yêu cầu: UBND các xã bố trí nhân lực phụ trách công tác trẻ em, thường xuyên tập huấn, nâng cao năng lực cho lực lượng này. Bộ GD&ĐT phối hợp với các ngành liên quan triển khai tổ chức dạy kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại, bạo lực cho học sinh tại nhà trường. Đoàn ĐBQH cấp tỉnh thường xuyên giám sát công tác trẻ em tại địa phương. Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam, các ngành liên quan xây dựng Đề án chăm sóc, bảo vệ trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Các cơ quan điều tra, tố tụng có trách nhiệm xây dựng chương trình điều tra đặc biệt, thân thiện phù hợp cho trẻ em; xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại, bạo lực, ngược đãi trẻ...
NGUYỄN MUỘI