Chữ “tình” trên những trang viết
Cho câu kinh bước tới (NXB Hội Nhà văn, 2018) là tập bút ký, tản văn vừa ra mắt độc giả của nhà văn, nhà báo Lê Thanh Phong. Tập sách gồm 5 phần: Ðất phật, Không thủ đạo, Trịnh Công Sơn, Bạn bè và Ðó đây gồm 40 bài viết là những chắt lọc trên bước đường chiêm nghiệm của tác giả về phật pháp, võ học, âm nhạc, bè bạn, cuộc đời…
Tôi thích bút ký của Lê Thanh Phong, thích cái cách anh quan sát, chắt nhặt, cách luận giải về thiền, về đức tin, về nhân tình thế thái bằng tấm lòng rộng mở yêu thương. “Ừ nhỉ! Mỗi buổi sáng thức dậy, tai nghe tiếng chim hót, mắt thấy áng mây trời, nhìn nụ hoa hàm tiếu là đủ để nở môi cười, “bầy chim non lần hạt, cho câu kinh bước tới” (Trịnh Công Sơn). Tại sao những điều vốn đơn sơ, giản dị, nhưng lại bị con người phủ lên quá nhiều thứ phù phiếm và rồi tự mình đắm đuối với những thứ phù phiếm ấy?”(Cho câu kinh bước tới).
Trước khi là một nhà báo đi nhiều, từ thuở đôi mươi Lê Thanh Phong đã là một người đi nhiều, kịp ghi dấu xúc cảm. Ðể khi anh trải lòng, người đọc nhận thấy sự đau đáu ở anh về chủ quyền biển đảo của tác giả trong Những ký ức Trường Sa; hoặc giản dị mà đằm thắm trong Thảo thơm khói bếp quê nhà, Gom Huế vào Sài Gòn cho ba mạ…
Lê Thanh Phong là người luyện và dẫn dắt Karate Do nhiều năm. Hành trình Không thủ đạo (Karate Do) của anh bắt đầu và gắn bó cùng võ đường Nghĩa Dũng Karate Do. Anh và đồng môn được sư phụ Nguyễn Văn Dũng - người thầy mẫu mực trao truyền không chỉ võ thuật, mà nhiều hơn còn là tâm thế sống, được thầy dạy làm người. Những trang viết đầy cảm xúc, và mang nhiều triết ngẫm thấm đẫm lòng biết ơn chân thành của Lê Thanh Phong khiến người đọc tự mình soi xét, ngẫm nghĩ thêm về tình thầy trò, về võ đạo và đạo làm người.
Ðọc sách, ta còn cảm nhận được sự trân quý mà tác giả dành cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Với Lê Thanh Phong, trên những khuôn nhạc của Trịnh là những lời thơ tuyệt diệu về quê hương, con người và thân phận. Ðã nhiều người viết về Trịnh và nhạc Trịnh, nhưng đọc Lê Thanh Phong lại nhận biết thêm một bề phiến, một góc thú vị nữa từ viên kim cương tên Trịnh Công Sơn. Bạn có thể tự mình đọc bài Hai gã hát thơ lãng du qua nhiều thế hệ để thấy biện giải của Lê Thanh Phong thú vị như thế nào, khi anh đặt Trịnh và Bob Dylan trong cùng một quy chiếu: hai gã thi sĩ ở hai bán cầu, cùng thời đại, làm thơ tình, thơ phản chiến và thổn thức về thân phận con người…
Một phần tập sách viết về bè bạn cũng hết sức lắng đọng đến cảm động. Người đọc thấy một Vĩnh Quyền viết văn bằng tiếng Anh “tự lưu đày trong ngục thất chữ nghĩa”, một thi sĩ Trần Vàng Sao “ngây ngô như đứng bên ngoài cuộc đời nhưng thơ sâu như sống tận cùng từng phút giây cảm xúc”... Mỗi người bạn qua trang văn của Lê Thanh Phong đều hiện lên sinh động, hình nét và chan chứa niềm mến yêu của tác giả.
Cho câu kinh bước tới là một tập sách với những luận giải, góc nhìn chân nhiên và đằm sâu, thuyết phục người đọc bằng sự chân xác trải nghiệm với cảm xúc được rót đầy vào những con chữ, để lại nhiều ấn tượng cho người đọc.
VÂN PHI