Quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường: Cần chặt chẽ hơn
Ngày 2 và 3.8, Hội đồng Dân tộc Quốc hội khóa XIV đã tiến hành giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết 112/2015/QH13 của Quốc hội “Về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức khác sử dụng” tại tỉnh Bình Ðịnh và đã chỉ ra nhiều hạn chế cần sớm được giải quyết.
Còn nhiều diện tích đất chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả
Trước năm 2007, huyện Vĩnh Thạnh chỉ có 1 lâm trường quốc doanh là Lâm trường Sông Kôn. Thực hiện Nghị định số 200/2004 của Chính phủ, năm 2007, Lâm trường Sông Kôn đã sắp xếp, chia tách thành Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn, quản lý gần 13.300 ha và Ban quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh quản lý gần 14.300 ha đất lâm nghiệp.
Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết 112 tại tỉnh Bình Định. Ảnh: HẢI YẾN
Từ đó đến nay đã xảy ra nhiều biến động, làm giảm tổng cộng khoảng 1.180 ha. Trong đó, chủ yếu là do trao trả về địa phương (538 ha), chênh lệch sau khi đo đạc, rà soát (136 ha), xây dựng thủy điện (508 ha). Đặc biệt là tình trạng lấn chiếm, xâm canh đối với hơn 880 ha tại vùng giáp ranh giữa huyện Vĩnh Thạnh với TX An Khê (tỉnh Gia Lai).
Ông Nguyễn Ngọc Đạo, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn, cho biết: “Tại khu vực này, Công ty trồng được 417 ha rừng, năm 2008 bắt đầu khai thác. Đến năm 2013, người dân ùa vào chiếm lại diện tích mà công ty đã trồng, làm mất 318 ha. 2 tỉnh, 2 huyện họp và làm việc rất nhiều lần nhưng vẫn không giải quyết được”.
Theo thống kê, diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh là gần 394 ngàn ha, tuy nhiên theo số liệu thống kê (năm 2014) thì 3 công ty TNHH lâm nghiệp và 9 ban quản lý rừng phòng hộ các huyện trên địa bàn tỉnh mới đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rừng cho 160.355 ha.
Hiện nay, các công ty vẫn chưa hoàn thành việc xác định ranh giới, cắm mốc thực địa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển sang thuê đất. Diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả còn nhiều. Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Các công ty lâm nghiệp quản lý rừng sản xuất còn nhiều lúng túng, nhất là kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp. Hầu hết, các công ty hoạt động thiếu vốn, hiệu quả sử dụng đất thấp và kết quả sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với nguồn lực tài nguyên rừng, đất đai được giao. Do đó, một số hộ dân ngang nhiên xâm canh, lấn chiếm, dẫn đến tranh chấp, ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phát triển, sản xuất, kinh doanh của các công ty”.
Đẩy mạnh giao đất, giao rừng
Sau khi Nghị quyết 112 được triển khai, tại Bình Định, việc quản lý, sử dụng đất đai của các công ty lâm nghiệp đã có chuyển biến tích cực. Công tác quản lý chặt chẽ hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên rừng, qua đó góp phần nâng cao đời sống người lao động tại các nông, lâm trường; gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và nền kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh…
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu cho biết: “Nhiều hạn chế về quản lý đất đai tại tỉnh vẫn chưa được giải quyết triệt để. Cụ thể: tiến độ rà soát, sắp xếp, đổi mới về quản lý, sử dụng đất các nông, lâm trường vẫn còn chậm; công tác thanh kiểm tra, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm chưa được thực hiện nghiêm túc. Hiện nay, các công ty đang tiến hành đo đạc, lập hồ sơ quản lý đất đai, hồ sơ địa chính, diện tích không sử dụng dự kiến bàn giao lại cho địa phương quản lý. Nhiều nơi đất rừng của các công ty bị người dân địa phương hoặc ngoài tỉnh lấn chiếm lâu dài để canh tác nương rẫy trái phép mà chưa có giải pháp ngăn chặn cụ thể. Đặc biệt, tỉnh kiến nghị Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh, cân đối bổ sung đủ lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, kiểm lâm địa bàn, kiểm lâm rừng đặc dụng cho các địa phương”.
Bà Cao Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát, đã ghi nhận kết quả đạt được của tỉnh trong quá trình triển khai Nghị quyết 112 tại huyện Vĩnh Thạnh và các công ty TNHH lâm nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, Đoàn cũng chỉ ra nhiều hạn chế về quản lý đất đai vẫn chưa được giải quyết triệt để. Cụ thể: tiến độ rà soát, sắp xếp, đổi mới về quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường vẫn còn chậm; công tác quản lý, thanh kiểm tra, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm chưa được thực hiện nghiêm túc. UBND tỉnh cần quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát đất rừng, đất lâm nghiệp giao cho người dân, nhất là người dân tộc thiểu số để họ có đất sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để giải quyết dứt điểm các vụ việc xâm chiếm đất rừng; thu hồi diện tích đất sử dụng không đúng mục đích; bố trí kinh phí đo đạc, lập bản đồ đất rừng và sớm hoàn thành trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cá nhân, đơn vị.
HẢI YẾN