Nhân ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10.8): Tập trung chăm sóc, điều trị giải độc
Thực hiện chương trình phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh, từ năm 2017, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh đảm nhận điều trị tẩy độc cho nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh, góp thêm một kênh chăm sóc sức khỏe, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.
Hai năm qua, Bệnh viện Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh áp dụng phương pháp Hubbard để điều trị tẩy độc cho nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) trên địa bàn tỉnh. Đây là phương pháp giải độc đang được ứng dụng rộng rãi ở người bị nhiễm chất độc mãn tính. Người bệnh được bổ sung các vitamin, khoáng chất, dầu thực vật, bù điện giải nhằm tăng khả năng bài tiết mồ hôi, tăng khả năng đào thải chất độc qua đường tiểu tiện và đại tiện.
Bác sĩ Võ Ngọc Phải, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện PHCN tỉnh, trao đổi với người bị nhiễm chất độc hóa học về quy trình điều trị, giải độc, phục hồi trong 10 ngày tại Bệnh viện.
Trong quá trình điều trị tẩy độc, Bệnh viện PHCN tỉnh còn áp dụng nhiều thuốc đông y giải độc dioxin trên cơ sở kế thừa các bài thuốc y học cổ truyền có tác dụng tăng đào thải qua đường mồ hôi, nước tiểu. Những bài thuốc này đều đã được nghiên cứu trên động vật thực nghiệm tại Học viện Quân y và được kiểm nghiệm tại Viện Dược liệu (Bộ Y tế).
Bác sĩ Võ Ngọc Phải, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện cho biết: “Hầu hết NNCĐDC bị suy mòn và suy giảm miễn dịch. Khi cơ thể bổ sung các vitamin, khoáng chất, các loại dầu thực vật có tác động chọn lọc lên các tế bào khác nhau của hệ miễn dịch, có tác dụng làm quá trình chuyển hóa trong tế bào của hệ miễn dịch diễn ra một cách bình thường. Từ đó, điều hòa chức năng hệ miễn dịch và phục hồi sức đề kháng của cơ thể”.
“Hầu hết NNCÐDC bị suy mòn và suy giảm miễn dịch. Khi cơ thể bổ sung các vitamin, khoáng chất, các loại dầu thực vật có tác động chọn lọc lên các tế bào khác nhau của hệ miễn dịch, có tác dụng làm quá trình chuyển hóa trong tế bào của hệ miễn dịch diễn ra một cách bình thường. Từ đó, điều hòa chức năng hệ miễn dịch và phục hồi sức đề kháng của cơ thể”.
Mỗi tháng, Bệnh viện tiếp nhận 1 - 2 đợt bệnh nhân là NNCĐDC trên địa bàn tỉnh đến điều trị, tẩy độc. Đến tháng 5.2018, tổng số bệnh nhân được điều trị là 150 lượt người. Ngoài khoản chi trả của BHYT (từ 6 - 8 triệu đồng/người/đợt), Bệnh viện còn hỗ trợ bệnh nhân một số loại thuốc ngoài danh mục BHYT. Bên cạnh đó, Hội NNCĐDC/Dioxin các cấp còn vận động tài trợ cho các bệnh nhân toàn bộ chi phí đi lại, ăn uống trong đợt điều trị (10 ngày).
Bà Đỗ Thị Bích Phượng, Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin huyện Vân Canh, chia sẻ: “Bình quân tiền xe đưa đón nạn nhân da cam đi điều trị xông hơi mỗi đợt là 3 triệu đồng. Số tiền này, Hội vận động các cơ quan, DN trên địa bàn hỗ trợ. Người bị nhiễm chất độc da cam ở Vân Canh tập trung chủ yếu ở vùng cao, vùng xa như xã Canh Hòa, Canh Liên, lại có hoàn cảnh khó khăn, nếu không hỗ trợ thì họ khó có điều kiện di chuyển đến bệnh viện tại huyện Phù Cát để điều trị, phục hồi sức khỏe”.
Người bị nhiễm chất độc hóa học đắp parafin.
Sau đợt điều trị tẩy độc tại bệnh viện, hầu hết các bệnh nhân đều chuyển biến tích cực về sức khỏe. Ông Võ Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin huyện Phù Mỹ, trao đổi: “Đoàn Phù Mỹ vừa rồi đưa 10 hội viên đi. Sau điều trị, tinh thần và sức khỏe của các anh chị đều khá tích cực. Đặc biệt như có anh Trương Xuân Nghiêm, chị Trần Thị Mai, mỗi người tăng từ 2 - 3 kg, tinh thần phấn chấn hẳn”.
Ông Văn Hiệp, Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh, cho biết: “Chương trình phối hợp với Bệnh viện PHCN tỉnh trong điều trị phục hồi chức năng, xông hơi giải độc cho NNCĐDC trong tỉnh là nỗ lực nhằm góp phần chăm sóc, cải thiện sức khỏe cho các nạn nhân chiến tranh. Vừa qua, Tỉnh Hội cũng đã có công văn đề nghị Trung ương Hội hỗ trợ kinh phí và thuốc đặc hiệu điều trị xông hơi giải độc”.
Một tin vui cho nạn nhân chất độc da cam
Ngoài chương trình phối hợp riêng của tỉnh, tháng 11.2017, Bình Ðịnh chính thức được Bộ Y tế bổ sung vào danh sách 10 tỉnh thực hiện Dự án “Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với NNCÐDC” giai đoạn 2018 - 2021. Ðây là tin vui với NNCÐDC Bình Ðịnh khi sẽ được tăng cường tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng tại cơ sở y tế và tại cộng đồng. Dự án cũng sẽ phát hiện, can thiệp sớm với đối tượng trẻ khuyết tật, con cháu NNCÐDC dưới 6 tuổi; quản lý sức khỏe, cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng, phòng ngừa bệnh cho người dân quanh các khu vực phơi nhiễm chất độc hóa học...
“Hiện tại, Sở Y tế Bình Ðịnh đã thành lập Ban quản lý dự án và đơn vị chủ trì là Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đang hướng dẫn tỉnh triển khai. Bệnh viện PHCN tỉnh sẽ bố trí các nguồn lực, điều kiện phục vụ tốt nhất, tiếp tục đồng hành với Hội NNCÐDC/Dioxin tỉnh tham gia triển khai tốt Dự án này”, bác sĩ Võ Ngọc Phải chia sẻ thêm.
NGUYỄN MUỘI