Phát triển du lịch tại vùng dân tộc thiểu số: Mỏ vàng nếu biết khai thác
Nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch văn hoá các dân tộc thiểu số ở Bắc bộ đang là vấn đề quan trọng và cấp bách để mang lại nguồn lợi lớn cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Hiện nay, du lịch đang phát triển mạnh mẽ, trở thành một ngành kinh tế quan trọng ở nước ta. Các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông thôn... đang được nhiều nơi áp dụng. Ở miền núi phía Bắc, du lịch cộng đồng phát triển, di sản văn hóa đang trở thành tài sản nguồn lực tạo nên sản phẩm du lịch.
Tài nguyên du lịch di sản văn hóa dân gian ở miền Bắc nước ta rất đa dạng và phong phú. Ảnh minh họa
Nguồn lợi lớn từ du lịch cộng đồng vùng miền núi phía Bắc
TS. Trần Hữu Sơn (Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam) cho hay một số tộc người ở miền Bắc có điều kiện thuận lợi là nằm trong vùng trọng điểm du lịch quốc gia, lượng du khách đến với các bản làng hàng năm rất đông. Nhưng theo ông Sơn, muốn khai thác phát huy các di sản văn hoá sản xuất thành sản phẩm du lịch đòi hỏi đồng bào phải tiến hành nghiên cứu nhu cầu của du khách.
Ngay từ những năm đầu thế kỷ 21, được sự giúp đỡ của một số tổ chức phi chính phủ, Sở VHTT&DL các tỉnh đã phối hợp với người dân ở các điểm du lịch tiến hành nghiên cứu nhu cầu của du khách quốc tế. Kết quả là 90% du khách thích nghe hướng dẫn viên du lịch là người dân tộc thiểu số; 71% du khách muốn được ngủ và ăn ngay tại cộng đồng các làng người dân tộc thiểu số (đặc biệt là ở các điểm du lịch xa trung tâm huyện lị từ 10-20 km thì du khách càng có nhu cầu nghỉ tại cộng đồng thôn bản); 81% du khách muốn được tham gia vào các hoạt động của người dân như dệt vải, làm ẩm thực, chế biến thuốc tắm...; 83% du khách muốn mua sản phẩm đồ lưu niệm ngay tại nơi sản xuất của người dân ở các hộ gia đình.
Như vậy, trong mô hình du lịch cộng đồng luôn đề cao vai trò của người dân bản địa. Người dân phải thực sự là chủ nhân có quyền tham gia các hoạt động du lịch và phải được hưởng lợi từ các hoạt động du lịch. Các doanh nghiệp nhà nước chia sẻ quyền lợi cho cộng đồng các dân tộc thiểu số thông qua hệ thống các dịch vụ thuộc cộng đồng như nhà nghỉ của người dân (homestay), bán sản phẩm đồ thủ công, cung cấp dịch vụ ăn uống, đi lại...
Du lịch cộng đồng là sự kết hợp của 4 nhóm nhân tố: Du khách, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, cư dân bản địa, chính quyền cơ sở. TS. Trần Hữu Sơn khẳng định bốn yếu tố này luôn quan hệ khăng khít với nhau. Du khách muốn thỏa mãn các nhu cầu du lịch thì phải có các doanh nghiệp cung cấp, có người dân bản địa tham gia, và được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý, định hướng. Người dân muốn thu được nhiều lợi nhuận qua hệ thống dịch vụ đều thành lập ban đại diện của những gia đình tham gia dịch vụ du lịch. Ban đại diện là đầu mối nhằm quản lý các dịch vụ lưu trú, ăn nghỉ, sinh hoạt... Đặc biệt, ban đại diện có quyền thống nhất về giá cả nhằm tránh tình trạng doanh nghiệp bắt chẹt từng hộ gia đình, ép các hộ gia đình giảm giá để thu lợi ích riêng của doanh nghiệp.
Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch dựa vào tài nguyên của cộng đồng, do cộng đồng chủ động tham gia xây dựng sản phẩm quản lý và vì lợi ích của cộng đồng. Du lịch cộng đồng được xây dựng và phát triển ở vùng người Thái ở bản Lác, huyện Mai Châu (Hòa Bình) vào giữa thập kỷ 90 của thế kỷ 20. Đến năm 2.000, người Tày ở bản Dền, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai cũng triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng.
Sau 20 năm phát triển, đến nay, du lịch cộng đồng được xây dựng thành công ở vùng người Thái, người Tày, người Dao, Mông tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên...
Nhiều điểm du lịch cộng đồng thu hút hàng vạn du khách, như Bản Dền (Lào Cai) đón 12.000 lượt khách quốc tế (năm 2008), các điểm du lịch cộng đồng ở Mai Châu (Hòa Bình) đón 400.000 lượt du khách, trong đó có 100.000 lượt du khách quốc tế (năm 2017).
Các điểm du lịch cộng đồng, như bản Lác, bản Văn (huyện Mai Châu, Hòa Bình), bản Áng (huyện Mộc Châu, Sơn La), bản Mển, Phiêng Lơi (Điện Biên), Quản Bạ (Hà Giang)... trở thành những điểm đến quen thuộc của các hãng lữ hành và các tour du lịch vùng Tây Bắc.
Du lịch cộng đồng đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo nguồn sinh kế mới cho người dân vùng cao. Được biết, các điểm du lịch cộng đồng ở Sa Pa (Lào Cai) có tốc độ xóa đói, giảm nghèo nhanh gấp 3 lần so với các thôn, bản không có du lịch. Năm 2015, số hộ nghèo ở huyện Mai Châu (Hòa Bình) chiếm 20%, trong khi ở các điểm du lịch cộng đồng, số hộ nghèo chỉ chiếm từ 4-5%. Nguồn thu của các hộ làm dịch vụ du lịch cao gấp từ 5-10 lần so với các hộ không làm du lịch.
Du lịch cộng đồng đem lại nguồn thu khá lớn cho người dân và xã hội. Ở bản Mển, xã Thanh Nưa, TP. Điện Biên, có 110 hộ dân và có tới 25 hộ gia đình có người tham gia các dịch vụ du lịch. Năm 2014, bản Mển đã đón 1.200 đoàn khách tới thăm. Vào dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, bản Mển mỗi ngày đón 5 đoàn khách đến thăm. Bản Phiêng có cảnh quan đẹp, có 30 hộ gia đình tham gia dịch vụ du lịch, những tháng đông khách mỗi hộ cũng thu được từ 3-5 triệu đồng.
Sản phẩm du lịch văn hóa các dân tộc thiểu số
Sản phẩm du lịch di sản văn hóa là một gói các dịch vụ, hàng hóa được xây dựng trên cơ sở tài nguyên văn hóa và nhu cầu du khách. Sản phẩm du lịch văn hóa phụ thuộc rất nhiều vào tài nguyên du lịch di sản văn hóa dân gian. Ở những vùng tài nguyên du lịch di sản văn hóa dân gian phong phú, độc đáo, có nhiều giá trị sẽ tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Theo TS. Trần Hữu Sơn, tài nguyên du lịch di sản văn hóa dân gian ở miền Bắc nước ta rất đa dạng và phong phú (có gần 40 dân tộc với 100 ngành nhóm địa phương) ở nhiều vùng, nhiều tộc người có tài nguyên du lịch mang tính đặc thù, đặc trưng dễ hấp dẫn du khách.
Đặc điểm phong phú tài nguyên và tính đặc thù cao đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm văn hóa đa dạng, hấp dẫn có khả năng thu hút khách cao. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch văn hóa không thể di chuyển, các cơ sở du lịch vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi cung ứng dịch vụ nên du khách muốn tiêu dùng phải đến cơ sở du lịch, đến các điểm, khu du lịch thưởng thức. Chính vì vậy, theo TS. Sơn, đặc điểm này đòi hỏi phải quảng bá mạnh mới thu hút được du khách.
Mặt khác, các sản phẩm du lịch có tính thời vụ nghiêm ngặt. Không thể xem lễ hội, xem chợ phiên ở ngày thường. Không thể mua đặc sản trong mùa trái vụ... Tính thời vụ còn dẫn đến sự “quá tải” của du lịch (lễ hội, sự kiện...). Đặc điểm này cũng đòi hỏi nhà thiết kế sản phẩm du lịch văn hóa luôn coi trọng nghiên cứu thực tiễn đời sống văn hóa dân gian.
Nguyên tắc xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa dân gian
Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng, thiết kế, xây dựng sản phẩm du lịch đòi hỏi phải tuân theo một quy trình cụ thể. Trước hết, cần phải nghiên cứu tài nguyên du lịch và đặc trưng văn hoá dân gian ở địa phương, điểm, khu du lịch, căn cứ vào nhu cầu du khách thường đến và tiềm năng mở rộng thị trường để xây dựng ý tưởng.
Từ ý tưởng, doanh nghiệp và nhà tư vấn sẽ thiết kế các sản phẩm du lịch mang bản sắc văn hoá tộc người. Các sản phẩm này phải đạt được yêu cầu mới và phải hấp dẫn, có khả năng được du khách chấp nhận. Đó có thể là một chương trình biểu diễn văn nghệ theo một chủ đề độc đáo hoặc cũng có thể là mẫu mã của đồ lưu niệm thổ cẩm, hay trích đoạn lễ đón khách...
Từ các sản phẩm được thiết kế, các doanh nghiệp sẽ tiến hành sản xuất thử nghiệm, thăm dò nhu cầu du khách. Sau đó, doanh nghiệp tiến hành quảng cáo bán sản phẩm. Cả một quy trình xây dựng sản phẩm từ các chất liệu văn hoá dân gian đòi hỏi có sự tham gia của doanh nghiệp với nhà tư vấn và nghệ nhân.
Tuy nhiên, cũng theo ông Sơn, muốn phát triển du lịch theo hướng bền vững đòi hỏi cộng đồng các dân tộc thiểu số ở các điểm du lịch phải bảo vệ được bản sắc văn hoá dân tộc. Vì bản sắc văn hoá không chỉ là tài nguyên mà còn là tài sản sản xuất ra các sản phẩm du lịch. Đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc thì điểm du lịch đó sẽ lụi tàn không còn sức hấp dẫn du khách. Nhưng muốn giữ gìn phát huy được bản sắc văn hoá dân tộc đòi hỏi phải có hệ thống chính sách đồng bộ như chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của người dân, chính sách tôn vinh các nghệ nhân và các di sản văn hoá độc đáo, chính sách khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm du lịch phát triển, chính sách đào tạo trao truyền di sản văn hoá dân tộc qua các thế hệ…
Sản phẩm du lịch văn hoá dân tộc thiểu số do nhu cầu của du khách và thị trường định hướng, quyết định. Nhu cầu của khách nội địa khác với khách quốc tế trong lựa chọn những sản phẩm. Thậm chí, khách quốc tế châu Âu-Mỹ cũng khác xa so với khách Trung Quốc. Vì vậy, theo ông Sơn, phải căn cứ vào việc điều tra nhu cầu du khách, nắm vững thị hiếu nhu cầu của từng loại khách, từng lứa tuổi, quốc tịch khác nhau để xây dựng sản phẩm.
Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cũng lưu ý, sản phẩm du lịch văn hoá dân tộc thiểu số cần kiên quyết chống hàng giả, hàng “nhái”. Các chương trình văn nghệ, các nghi lễ trình diễn, các sinh hoạt văn hoá của người Dao phải tôn trọng tính khách quan, chân thực của bản sắc tộc người. Đồng thời, tuyệt đối không làm giả các sinh hoạt văn hoá truyền thống nhằm mục đích thu hút khách. Muốn thu hút được đông khách, một số điểm du lịch cần khảo sát, thống kê lịch trình các ngày lễ, ngày tết, các sinh hoạt cộng đồng trong một năm thông báo cho du khách, đồng thời quảng bá, giới thiệu cho du khách để du khách đến tham quan trong khung cảnh thật.
Du lịch cộng đồng của các tộc người cũng trong xu thế chung phải hướng về phát triển du lịch bền vững. Vì vậy, các điểm du lịch cộng đồng không nên chỉ hướng tới việc thu hút quá nhiều khách, dẫn đến tình trạng quá tải. Các ban quản lý du lịch cộng đồng phối hợp với các hãng lữ hành nên tổ chức cho du khách đến tham quan, bình quân mỗi năm mỗi điểm đón từ 1-3 vạn khách. Các điểm du lịch không đón nhiều du khách nhằm đảm bảo môi trường, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc.
Theo Nhật Nam (Chinhphu.vn)