Trọng dụng người tài, trả lương tương xứng
Thời gian qua, tinh thần Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII đang lan tỏa và được xã hội đồng thuận. Trong đó, một nội dung quan trọng được nhiều tầng lớp nhân dân quan tâm là vấn đề cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp (Nghị quyết số 27-NQ/TW).
Tính đột phá thể hiện trong nội dung Nghị quyết là quy định trả lương theo vị trí việc làm; vị trí việc làm nào, kết quả thực hiện công việc ra sao thì được hưởng lương theo mức đó. Điều này cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng là trọng dụng người tài, loại bỏ tư duy “sống lâu lên lão làng”, làm cản trở hiệu quả làm việc.
Khi triển khai cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần NQ TW7, vị trí việc làm nào, kết quả thực hiện công việc ra sao thì được hưởng lương theo mức đó (ảnh minh họa).
Loại bỏ kiểu “sống lâu lên lão làng”
Nghị quyết Trung ương 7 (NQ TW7) xác định rõ, đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, được xây dựng một bảng lương chung, giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, chức vụ lãnh đạo tương đương thì hưởng như nhau, chức vụ lãnh đạo cấp trên phải cao hơn người lãnh đạo cấp dưới, mức lương của người đứng đầu phải cao hơn mức lương của công chức, viên chức còn lại trong cơ quan.
Nhận thấy, việc trả lương theo ngạch, bậc như hiện nay ngày càng bộc lộ những bất cập. Người làm việc lâu năm, làm việc cầm chừng, trách nhiệm không cao vẫn được hưởng lương cao; người có tài, làm việc có hiệu quả, cống hiến hết mình, lương cũng chỉ theo thời gian giữ ngạch, bậc. Do đó, không khuyến khích được người có tài, người có năng lực làm việc. Điều này cho thấy vì sao có tình trạng lương của giám đốc sở, chủ tịch huyện thấp hơn lương công chức dưới quyền, chỉ vì chưa thi nâng ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp hoặc thời gian công tác ít hơn. Mặt khác, việc trả lương theo ngạch, bậc cũng là rào cản người có tài, có năng lực nhưng không được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn do chưa được nâng ngạch cao hơn. Ví dụ: một số ngành ở TAND, viện KSND, Thi hành án dân sự… bắt buộc công chức muốn bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo cơ quan cấp tỉnh thì phải giữ ngạch Thẩm phán trung cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Chấp hành viên trung cấp. Điều này đã làm triệt tiêu động lực phấn đấu của cán bộ trẻ, người có năng lực thực sự. Vì vậy, việc cải cách chính sách tiền lương mới sẽ khắc phục được những hạn chế này bằng cách trả lương theo vị trí việc làm, người nào có đủ tiêu chuẩn, năng lực đáp ứng được vị trí cao thì được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn và trả lương tương xứng, không ràng buộc phải nâng ngạch công chức, viên chức như hiện nay.
Đánh giá cán bộ để bố trí đúng
Đây cũng là nội dung hết sức quan trọng, cần phải triển khai, thực hiện một cách nghiêm túc. Để thực hiện NQ TW7 về cải cách chính sách tiền lương, một trong những vấn đề cần quan tâm là phải đánh giá cán bộ hết sức công bằng, khách quan, đúng người, đúng thành tích để làm cơ sở cho việc bố trí, bổ nhiệm cán bộ theo vị trí việc làm. Để thực hiện tốt việc đánh giá cán bộ, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Trước mắt, phải ban hành Bộ tiêu chí đánh giá cụ thể, sát đúng với từng vị trí việc làm, loại bỏ tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, chủ quan, cảm tính cá nhân, cục bộ địa phương, hoặc bị các mối quan hệ khác chi phối trong đánh giá, làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác cán bộ; khắc phục tình trạng chạy chức, chạy quyền, bố trí người thân, người nhà, bố trí không đúng cán bộ vào các chức vụ lãnh đạo. Để thực hiện vấn đề này cần phải thường xuyên theo dõi, đánh giá cán bộ theo định kỳ, không nhất thiết chỉ một lần trong năm; đánh giá phải mang tính toàn diện, nên đánh giá từ các mối quan hệ dọc, quan hệ ngang, nghĩa là từ cấp trên xuống, từ cấp dưới lên, từ trong nội bộ cơ quan và kể cả từ các mối quan hệ bên ngoài. Người đứng đầu đơn vị cần phải thật sự công tâm, khách quan trong đánh giá; đồng thời, người được đánh giá cũng phải thật sự cầu thị. Đánh giá đúng, chính xác kết quả làm việc cán bộ sẽ cung cấp thông tin cho công tác quản lý, là căn cứ để lựa chọn, sắp xếp, sử dụng người đúng với năng lực, sở trường, là căn cứ để chủ động trong việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện và bổ nhiệm, bố trí cán bộ đúng theo tinh thần của NQ.
CÔNG HOÀNG