Nâng cao trách nhiệm của hội thẩm nhân dân
Mới đây, TAND tỉnh đã mở hội nghị sơ kết công tác hội thẩm TAND giữa nhiệm kỳ 2011-2016. Đoàn hội thẩm TAND tỉnh hiện có 26 vị, từ năm 2011 đến nay, đã tham gia xét xử 196 vụ án các loại. Nhìn chung, các hội thẩm đã cùng thẩm phán thực hiện tốt nguyên tắc xét xử, đưa ra những phán quyết đúng pháp luật, công bằng. Từ đầu đến giữa nhiệm kỳ không có vụ án nào bị hủy do chủ quan của hội đồng xử án, không có án cải sửa nghiêm trọng, toàn bộ.
Bà Trịnh Thị Xuân Hoài, Phó chánh Tòa hình sự, TAND tỉnh, nhận xét, bằng những kỹ năng liên quan đến nghề nghiệp, nhiều vị hội thẩm đã giúp cho thẩm phán tìm hiểu, giải quyết nhanh các vấn đề liên quan đến kế toán, tài chính, tâm sinh lý thanh thiếu niên, tâm lý học đường... khi xét xử các vụ án hình sự.
Nhưng, theo nhận định chung, một số hội thẩm mới bổ nhiệm trong nhiệm kỳ này còn rụt rè, thiếu kinh nghiệm, có tâm lý ỷ lại cho thẩm phán chủ tọa phiên tòa hoặc chưa xây dựng kế hoạch đặt câu hỏi với bị cáo trước khi xét xử, làm cho quá trình tranh tụng tại phiên tòa khô khan, đơn điệu. Ngoài ra, một số ít trường hợp khi được phân công xét xử án, nhất là xét xử các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, đã chưa giành nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án.
Bà Huỳnh Thị Kim Xuyên, Phó trưởng Đoàn hội thẩm TAND tỉnh, phân tích: “Nhiều hội thẩm là cán bộ đương chức khó bố trí thời gian hợp lý cho việc xét xử, hoặc không có nhiều thời gian nghiên cứu kỹ hồ sơ, trong khi đó, một số vụ án phức tạp không chỉ đòi hỏi dành nhiều thời gian nghiên cứu mà còn phải có phương pháp nghiên cứu hồ sơ. Điều này thì những hội thẩm mới được bổ nhiệm lần đầu chưa có kinh nghiệm”.
Thực tế cho thấy, tại nhiều phiên tòa, những vị hội thẩm nào thường xuyên tham gia xét xử thì hỏi đúng, hỏi trúng, trong khi đó những hội thẩm lâu lâu mới tham gia xét xử thì thụ động hơn nhiều. Thậm chí, cả buổi tham gia xét xử, có vị chả hỏi câu nào. Hoặc nếu có nói, cũng chỉ nói vài câu vô thưởng vô phạt, chung chung. Một kiểm sát viên ở huyện nọ còn phản ánh có vị hội thẩm đang xét xử tự nhiên đi ra ngoài… hút thuốc, làm mất không khí trang nghiêm ở chốn công đường.
Dẫu luật pháp quy định hội thẩm nhân dân “ngang quyền” với thẩm phán khi xét xử, chưa kể số lượng hội thẩm chiếm 2/3 trong thành phần hội đồng xét xử sơ thẩm, thế nhưng trong thực tế có hội thẩm vì mang tâm lý “hữu danh vô thực”, ngồi “cho có” nên không bỏ công nghiên cứu kỹ hồ sơ, không chịu khó xem xét các tình tiết. Vô hình chung, điều này tạo nên việc lệ thuộc vào phán quyết của thẩm phán, đồng thời làm mờ nhạt vai trò của hội thẩm nhân dân khi tham gia xét xử.
THỤC OANH
Điều 4 và điều 5 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân có quy định: "...Khi xét xử Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán.....Khi xét xử thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo Pháp luật". Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay Hội thẩm nhân dân ở nước ta vai trò của Hội thẩm nhân dân chưa được xem trọng, mặc khác năng lực và trách nhiệm HTND còn quá nhiều hạn chế, hầu như lệ thuộc vào đánh giá của Thẩm phán. Do đó việc nâng cao năng lực, trách nhiệm cho HTND là việc làm hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nhằm làm cho các quyết định và bản án được khách quan, vô tư, đúng pháp luật, là sự mong mỏi của nhân dân trong tiến trình cải cách tư pháp mà Đảng ta đã khởi xướng. Hơn nữa cần quy đinh rõ về chế độ mời HTND thám gia phiên tòa tránh tình trạng những HTND không ăn ý với Thẩm phán thường ít được mời, hoắc mời theo chiếu lệ....