Giám sát việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Phù Mỹ và An Lão
Sáng 8.8, đoàn giám sát về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2018 của tỉnh đã có buổi làm việc với huyện Phù Mỹ.
Theo báo cáo của UBND huyện, từ đầu năm đến nay, đã tổ chức được 4 lớp nghề phi nông nghiệp với 70 lao động tham gia đạt 30% kế hoạch đề ra. Công tác giải quyết việc làm có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan đã tuyên truyền, phổ biến các chính sách về việc làm; người lao động đã chủ động hơn trong việc tìm kiếm và tự tạo việc làm phù hợp với năng lực, quỹ thời gian. Chính sách vay vốn cho người lao động sau khi học nghề cũng được huyện đặc biệt chú trọng, những năm qua, hàng ngàn hộ nghèo đã vay vốn sản xuất, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Tại buổi làm việc, đoàn giám sát đã chỉ ra một số tồn tại, làm rõ nhiều vấn đề. Đoàn cũng đề nghị UBND huyện cần tập trung rà soát và hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra trong năm; tăng cường hoạt động khảo sát, nắm bắt nhu cầu thực tế của lao động trên địa bàn huyện và nhu cầu tuyển dụng của DN để tổ chức hoạt động đào tạo phù hợp; đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn đào tạo nghề, bảo đảm đầu ra cho học viên sau đào tạo.
* Trước đó, ngày 7.8, đoàn giám sát về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2018 của tỉnh cũng đã có buổi làm việc với UBND huyện An Lão.
Từ đầu năm đến nay, huyện An Lão đã tổ chức 2 lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho 70 lao động nông thôn; chuẩn bị mở 3 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 90 lao động về kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, trồng bưởi da xanh và chăn nuôi, thú y. Ngoài ra, công tác vay vốn, tạo việc làm phát triển sản xuất đã giúp người lao động mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần giúp người lao động tăng thu nhập, ổn định đời sống. 7 tháng đầu năm 2018 đã phê duyệt cho vay 31 dự án với tổng số tiền 1,5 tỉ đồng, giải quyết việc làm mới cho 31 lao động. Tuy nhiên, huyện vẫn còn một số mặt hạn chế như: Tỉ lệ lao động qua đào tạo ở huyện còn thấp; các cơ sở sản xuất, DN, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện chưa phát triển mạnh; nghề thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống chưa tạo được động lực thúc đẩy người lao động học nghề...
VIẾT LỢI – HỮU BÁ