Kỷ niệm “400 năm chữ Quốc ngữ tại Bình Ðịnh” (1618 - 2018): Bình Ðịnh - nơi tiếng Việt lật sang trang mới
Năm 1618, quan Khám lý phủ Quy Nhơn Trần Ðức Hòa đón các giáo sĩ phương Tây: Francesco Buzomi, Christoforo Borri, Francisco de Pina từ Hội An vào Quy Nhơn rồi đưa về lưu trú tại Nước Mặn (xã Phước Quang, Tuy Phước ngày nay). Khi đó ông không thể hình dung được những người này rồi sẽ đưa tiếng Việt lật sang một trang mới!
Khám lý phủ Quy Nhơn Trần Đức Hòa cho dựng cư sở, tạo điều kiện cho các giáo sĩ truyền giáo, phiên âm, sáng tạo hình thành chữ Quốc ngữ. Trong tiến trình phát triển của tiếng Việt, những giáo sĩ phương Tây và các cộng sự người Việt của họ góp công lao quan trọng và rất lớn bởi từ đây, người Việt thật sự có văn tự của dân tộc mình.
Tiểu chủng viện Làng Sông, một trong 3 nơi có nhà in sách Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam.
Từ Nước Mặn đến Làng Sông
Từ Nước Mặn đến Làng Sông khoảng 10 km đường bộ, đây là 2 địa điểm gắn với quá trình hình thành và phát triển chữ Quốc ngữ. Dù kiến trúc nguyên thủy không còn nữa, nhưng việc định vị cư sở Nước Mặn của mấy trăm năm không khó, bởi nó tọa lạc tại vườn nhà ông Võ Cự Anh (thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước).
Nhà in hỗ trợ cho chữ Quốc ngữ phát triển
Nhà in Làng Sông do Ðức cha Eugène Charbonnier Trí thành lập, đây là một trong 3 nhà in sách Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam (gồm nhà in Tân Ðịnh (Sài Gòn), nhà in Ninh Phú (Hà Nội) và nhà in tiểu chủng viện Làng Sông). Năm 1904, nhà in Làng Sông được Ðức cha Damien Grangeon Mẫn cho tái thiết. Cha Paul Maheu làm giám đốc nhà in. Riêng năm 1922, dưới sự điều hành của cha Maheu, nhà in Làng Sông đã in 18.000 tờ báo định kỳ, 1.000 bản sách, 32.000 ấn phẩm khác, riêng tờ Lời Thăm (bán nguyệt san) được in 1.500 bản, phát hành toàn Ðông Dương. Nhà in Làng Sông hoạt động đến khoảng 1936, trước khi được dời về Quy Nhơn.
Năm 2011, Tòa Giám mục Quy Nhơn xây dựng công trình ghi danh 3 linh mục Dòng Tên (Francesco Buzomi (người Ý), Christoforo Borri (Ý), Francisco de Pina (Bồ Đào Nha) và tu huynh António Dias (Bồ Đào Nha). Công trình biểu tượng này mượn dáng cây cổ thụ có nhiều nhánh, biểu trưng cho nguồn cội, sự phát triển của Công giáo và Quốc ngữ bắt đầu phôi thai từ nơi này.
Nhà in Làng Sông nay nằm trong khuôn viên của Tiểu chủng viện Làng Sông (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) giữa ruộng đồng bát ngát bao quanh. Tiểu chủng viện là công trình có kiến trúc Gothic châu Âu đã hơn 200 tuổi, nép mình dưới những hàng sao đen rì rào trước gió, tạo nên vẻ hữu tình, thi vị. Hiện nay, ngoài là địa điểm mang giá trị lịch sử văn hóa, Làng Sông còn là một điểm đến thu hút rất đông du khách gần xa vì vẻ đẹp khó cưỡng và bởi người Việt nào không nhiều thì ít đều muốn một lần trong đời đến thăm nơi phôi thai chữ viết của dân tộc mình.
Công trình ghi danh 3 linh mục Dòng Tên (Francesco Buzomi (người Ý), Christoforo Borri (Ý), Francisco de Pina (Bồ Đào Nha) và tu huynh António Dias (Bồ Đào Nha), những người có công sáng tạo chữ Quốc ngữ.
Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Trưởng phòng Quản lý văn hóa, Sở VH&TT: Đầu thế kỷ XVII, Nước Mặn là nơi phôi thai chữ Quốc ngữ, đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nhà in Làng Sông là một trong những trung tâm truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học. Nhà in Làng Sông có sự đầu tư bài bản về máy móc thiết bị, có thể kể đến năm 1904, khi linh mục Paul Maheu làm giám đốc, vị linh mục này được học về in ấn tại Hồng Kông, do đó nhà in Làng Sông phát triển rất mạnh, lúc bấy giờ rất nhiều cây bút ở Nam Bộ như Trương Vĩnh Ký, Lê Văn Đức… in sách ở đây. Ngoài tiếng Latinh và tiếng Pháp, nhà in còn in chữ Quốc ngữ. Riêng năm 1910, nhà in đã có 36 đầu sách trong đó có tới 25 đầu sách chữ Quốc ngữ, còn lại là tiếng Pháp.
Tự hào nơi phôi thai chữ Quốc ngữ
Có nhiều cách để thể hiện niềm tự hào về địa điểm phôi thai, phát triển chữ Quốc ngữ, lòng biết ơn công lao của những người khai sinh ra chữ viết dân tộc. Ở bài tổng kết Hội thảo khoa học Bình Định với chữ Quốc ngữ, cố GS Phan Huy Lê đã đánh giá cao ý tưởng xây dựng một Bảo tàng chữ Quốc ngữ ở tỉnh Bình Định, cùng với đó ông nhấn mạnh không phải chỉ ở Bình Định mà trên phạm vi quốc gia, cần phải nhớ ơn, tôn vinh những người đã sáng tạo ra chữ Quốc ngữ.
Trong bài tham luận tại Hội thảo Bình Định với chữ Quốc ngữ được tổ chức ngày 13.1.2016, tại TP Quy Nhơn, linh mục Võ Đình Đệ gợi ý như một đề xuất: “Nên chăng, có một Lễ hội Chữ Quốc ngữ được tổ chức như một điểm nhấn trong Lễ hội Đô thị Nước Mặn đã được tổ chức vào ngày 30 tháng Giêng và mùng 1, 2 tháng 2 âm lịch hằng năm tại chính nơi nó được sinh ra”.
Không thể không thừa nhận rằng, trong vòng 500 năm trở lại đây, một trong những thành tựu văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam là chữ Quốc ngữ. Đối với thế giới, sự ra đời của chữ Quốc ngữ Việt Nam là sự kiện rất đặc biệt, và cho đến nay, nó vẫn còn được nghiên cứu, phân tích rất nhiều. Do vậy, ý tưởng về việc đặt tên đường cho những người có công với chữ Quốc ngữ là ý tưởng rất đáng được xem xét. Bởi nó là một cách thể hiện năng lực tiếp nhận và phát triển văn hóa của người Bình Định, là một cách ghi nhớ công lao của bậc tiền nhân, một cách giúp gắn kết tình cảm của Bình Định với du khách quốc tế, đặc biệt là người Ý, Bồ Đào Nha, Pháp…
Có nhiều cách để thể hiện niềm tự hào và lòng biết ơn nguồn cội và những người khai sinh ra chữ Quốc ngữ. Chỉ một chút gợi nhớ thôi cũng đủ đọng trong lòng du khách niềm cảm mến với miền đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử này.
Thế giới đã biết đến tiếng Việt từ rất sớm
Tác phẩm Tường trình về Khu Truyền giáo Ðàng Trong của Christophoro Borri có 231 trang, khổ 9 cm x 12 cm, viết bằng tiếng Ý, được in tại Roma năm 1631, nhưng quyển sách này ông viết từ những năm hoạt động truyền giáo ở Nước Mặn (1618 - 1622) cùng 2 linh mục Francesco Buzomi và Francisco de Pina. Chữ Quốc ngữ trong tác phẩm này là thứ chữ được viết vào những năm 1618 - 1622.
Ðây là cuốn sách đầu tiên bằng một thứ ngôn ngữ châu Âu, hoàn toàn viết về Ðàng Trong, đặc biệt phần nhiều viết về Nước Mặn, Qui Nhơn. Có lẽ, Tường trình về Khu Truyền giáo Ðàng Trong là tác phẩm được dịch và in nhiều lần nhất trên thế giới trong những năm 1631 - 1633. Trong 3 năm này, sách được dịch ra nhiều thứ tiếng: Pháp, La tinh, Hà Lan, Ðức, Anh và xuất bản tới 9 lần tại Roma, Lille, Rennes, Paris, Vienne, Louvain, London. Từ năm 1704 - 1990, còn được xuất bản thêm 8 lần nữa bằng các tiếng Anh, Pháp, Việt. Hai lần xuất bản gần đây nhất (1990) bằng tiếng Pháp và tiếng Việt do các dịch giả: Lieutenant - Colonel Bonifacy và Hồng Nhuệ.
THẢO KHUY