Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác dân vận
Ðó là yêu cầu quan trọng được Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn đặt ra tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, diễn ra ngày 8.8.
Theo Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thị Phong Vũ, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng.
Đa dạng hình thức dân vận
Đáng chú ý, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được triển khai đồng bộ với nhiều mô hình cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 9.000 mô hình. “Việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn liền với nhiệm vụ phát triển KT-XH, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị đã đem lại nhiều kết quả thiết thực, nhất là phong trào “Tỉnh Bình Định chung sức xây dựng nông thôn mới” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh””, bà Vũ nói.
Trong công tác dân vận, cần xây dựng “chính quyền phục vụ” thay cho “chính quyền quản lý”.
- Trong ảnh: Giải quyết thủ tục hành chính tại UBND xã Phước Quang, huyện Tuy Phước.
Theo ông Trương Đề, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, UBND huyện đã phối hợp tốt với Ban Dân vận, Mặt trận, các hội đoàn thể để tổ chức đối thoại với nhân dân, DN tại các địa phương có triển khai các công trình trọng điểm, nơi có nhiều ý kiến phản hồi môi trường chưa tốt, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh... Nhờ đó đã hạn chế mức thấp nhất đơn thư vượt cấp, không để xảy ra khiếu kiện đông người, tạo điểm nóng trên địa bàn.
Đối thoại trực tiếp cũng là cách làm cụ thể của TP Quy Nhơn. Hoạt động này được tổ chức định kỳ hằng quý giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thành phố với đảng viên, nhân dân ở một số địa phương. “Qua đó nắm tình hình tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề phát sinh trong nhân dân, ý kiến tham mưu đề xuất của cơ quan, đơn vị phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Quy Nhơn Trần Văn Thanh cho hay.
Còn tại Hoài Ân, công tác dân vận của các lực lượng vũ trang ngày càng đi vào chiều sâu. Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Nguyễn Việt Hà cho hay, Ban Dân vận phối hợp với Ban CHQS huyện kết nghĩa với nhân dân thôn T6 (xã Đắk Mang) trong công tác tuyên truyền, vận động, nắm bắt tình hình nhân dân, từ đó góp phần hạn chế đáng kể tình trạng phá rừng trên địa bàn.
Trong khi đó, công tác dân vận của các hội, đoàn thể cũng có những chuyển biến nhất định. Theo Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Xuân Vĩnh, dấu ấn cụ thể của Tỉnh đoàn là đổi mới phương thức nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của ĐVTN. Với chủ trương hướng về cơ sở, tập trung cho cơ sở, phương thức chỉ đạo của Tỉnh đoàn có nhiều đổi mới, sáng tạo, tham gia giải quyết đồng bộ những vấn đề bức thiết: việc học, việc làm, rèn luyện kỹ năng... Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, thông tin, báo cáo và nắm bắt dư luận được tăng cường. Facebook “Tuổi trẻ Bình Định” do Tỉnh đoàn quản lý hiện có hơn 4.000 người theo dõi.
“Nghe dân nói, nói dân hiểu”
Dù kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận, nhưng không thể phủ nhận công tác dân vận của chính quyền ở một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, có mặt còn hạn chế, nhất là công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng, tái định cư, thực hiện các công trình, dự án.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn thẳng thắn nhận định: “Phải đánh giá hiệu quả thực chất, “nét thanh” thì ta ghi nhận, nhưng mặt chưa được cũng phải nhìn nhận chính xác. Công tác dân vận là phải gần dân, sát dân; nhiều nơi gần dân nhưng chưa sát dân. Danh sách lực lượng nòng cốt “rất đẹp”, nhưng khi xảy ra chuyện thì “nòng” đi đằng “nòng”, “cốt” đi đường “cốt”. Việc nhỏ nhưng cán bộ ngại trách nhiệm, sợ va chạm nên để kéo dài; những vấn đề nội bộ trong nhân dân không giải quyết thấu đáo lại trở thành mâu thuẫn giữa người dân với chính quyền”.
Thực tế đó đặt ra yêu cầu đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công tác dân vận của cả hệ thống chính trị; tăng cường công tác phối hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, đảm bảo “nghe dân nói, nói dân hiểu”. Đồng thời, sớm xây dựng và thực hiện đề án phân công cán bộ, đảng viên phụ trách nhóm hộ gia đình trên địa bàn dân cư.
“Cần nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp. Chính quyền các cấp phải chuyển tư duy từ “quản lý xã hội” sang “quản trị xã hội”, xây dựng “chính quyền phục vụ” thay cho “chính quyền quản lý”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Còn ông Nguyễn Việt Hà cho rằng, cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới. Đặc biệt, phải thật sự thấm nhuần quan điểm: “Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của từng cán bộ, đảng viên, viên chức, đoàn viên, hội viên của các đoàn thể, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt”.
NGUYỄN VĂN TRANG