Cho “cần” hơn cho “cá”!
Tuần trước, Góc nhìn đã đề cập đến vấn đề khá thời sự là chuyện học bổng cho sinh viên nghèo, khó khăn tài chính có nguy cơ dang dở chuyện học hành. Hôm qua, Chuyện cuối tuần cũng đề cập đến một vấn đề thời sự khác là chuyện không muốn thoát nghèo.
Hai câu chuyện về hai lĩnh vực khác nhau nhưng cùng chung một thông điệp: Giúp đỡ, hỗ trợ thế nào cho đúng và hiệu quả nhất. Trong chuyện học bổng trợ giúp học sinh, sinh viên nghèo, nếu không có cách làm hợp lý hơn thì dễ dẫn đến tình trạng “no dồn đói góp” và việc xin - cho sẽ không phát huy được tính trách nhiệm của mỗi người. Tương tự, việc hỗ trợ người nghèo với quá nhiều ưu đãi cũng tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ mà thiếu đi tinh thần trách nhiệm và ý thức vươn lên của người nghèo.
Khi đề cập đến chuyện trao học bổng cho học sinh, sinh viên, khi được hỏi “Sao ông không trao ít suất học bổng hơn để các em được số tiền nhiều hơn, như vậy thì đầu tư có hiệu quả hơn?”, Giáo sư Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam cho biết: Số tiền trao cho các em không lớn, điều tôi muốn nói ở đây là trao một tinh thần, một hướng đi cho các em. Điều quan trọng là ý nghĩa tinh thần, trao ít nhưng sự khích lệ lớn. vì thế “chúng tôi muốn trao vinh dự ấy cho càng nhiều em càng tốt” - giáo sư nhấn mạnh. Với cách đặt vấn đề như vậy, Quỹ học bổng mang tên Odon Vallet từ năm 2001 đến nay đã trao hơn 22.000 suất với số tiền hơn 120 tỉ đồng. Tuy giá trị mỗi phần được trao không lớn nhưng học bổng Odon Vallet đã trở thành một học bổng danh giá với học sinh, sinh viên Việt Nam bởi sự khích lệ tinh thần và động lực to lớn mà nó đem đến cho những người được nhận.
Còn trong việc hỗ trợ người nghèo, với chính sách hỗ trợ cho người nghèo thoát nghèo chủ yếu là chính sách hỗ trợ trực tiếp, người trong diện nghèo được chu cấp đất ở, học tập, bảo hiểm y tế, cho vay vốn và nhiều lợi ích theo dạng “cho không” khác, đã làm cho “người dân bị động “hưởng lợi”, không muốn thoát nghèo, thậm chí phản ứng dữ dội nếu bị ra khỏi diện nghèo” như nhận định được đưa ra tại phiên giải trình về phân bổ nguồn lực và cơ chế điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội hôm 24.9 vừa qua. Việc người nghèo có biểu hiện ỷ lại vào các chương trình, chính sách đã làm cho động lực tích cực bị triệt tiêu, và các cơ quan chức năng đang nghiên cứu để giảm những chính sách hỗ trợ trực tiếp “cho không” các hộ nghèo, thay vào đó là hỗ trợ có điều kiện.
Rõ ràng, của cho đã quan trọng nhưng cách cho cũng quan trọng không kém. Trong mọi chính sách hỗ trợ, dù là học bổng hay giảm nghèo thì nguyên lý “cho cần câu chứ không cho con cá” là đúng đắn và cần thiết.
HẢI ÐĂNG