Chăm sóc sản phụ sau sinh: Ðừng bỏ qua kinh nghiệm dân gian
Từ xa xưa, việc chăm sóc sản phụ sau sinh rất được ông bà ta coi trọng. Chẳng phải thế mà ông bà ta đã răn dạy - “bà chửa cửa mả”. Những kinh nghiệm, cách thức của ông bà được gạn lọc qua thời gian, trở thành minh triết dân gian để đến với con cháu hôm nay vừa gần gũi, vừa khoa học.
Cho con bú sữa mẹ là việc làm tốt cho sức khỏe và tình cảm của cả mẹ và bé.
Đã có kinh nghiệm chăm sóc con gái đầu trong việc sinh nở, ở cữ, đến cô con gái thứ hai, bà Võ Thị Xuân (phường Nhơn Hưng, TX An Nhơn) tiếp tục sử dụng những kinh nghiệm dân gian như kiêng tắm trong vòng 1 tháng, thay vào đó là lau người bằng rượu, xông hơi bằng nước lá, gội đầu bằng bồ kết và sấy khô thật nhanh, kiêng chải đầu, xem tivi, tránh gió, giữ ấm cơ thể... để sau này đỡ đau nhức khi có tuổi. Theo bà Xuân: Không phải cái gì người xưa truyền tai cũng có thể làm theo hết, nhưng không phải tự nhiên mà kinh nghiệm của ông bà để lại, trải qua bao nhiêu năm vẫn còn tới ngày nay. Các bà, các mẹ ngày xưa kiêng khem tốt nên dẫu đời sống khổ cực hơn bây giờ nhưng vẫn cứng cáp.Tôi đã tham vấn các bác sĩ, những người có chuyên môn và đã hướng dẫn thực hành sao cho hợp lý nhất.
Sử dụng kinh nghiệm dân gian trong chăm sóc bà mẹ sau sinh như giữ ấm cơ thể, vệ sinh, dinh dưỡng, cho con bú cũng phải được chọn lọc kỹ lưỡng. Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, trong tháng đầu sau sinh, cơ thể người mẹ cần được giữ ấm tuyệt đối vì lúc này sức đề kháng của người mẹ rất yếu, dễ bị nhiễm lạnh. Tuy nhiên, các bà mẹ nên giữ ấm bằng cách mặc ấm, uống nước ấm, chườm ấm bụng sau ăn, tránh nơi có gió lùa thay cho dùng than củi vì than thải ra CO2 có thể khiến cả mẹ và em bé bị nhiễm độc.
Bà mẹ sau sinh cũng nên sử dụng thực phẩm có tính ấm như nghệ, gừng, thịt kho tiêu, bên cạnh đó còn nên dùng thêm các loại rau xanh, trái cây... để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho mẹ và bé. Trong đó, nghệ thường được dùng trong các bữa ăn giúp hoạt huyết, đẩy sản dịch ra nhanh, tiêu hóa tốt. Nghệ còn dùng để thoa ngoài da để làm đẹp, mau lành vết thương.
Một nữ hộ sinh (đề nghị không nêu tên) chia sẻ, theo kinh nghiệm dân gian, để bảo vệ sức khỏe mẹ và bé trong giai đoạn sức đề kháng còn yếu, người ta đặt ra tục phong long để tránh người khác đến thăm quá sớm không tốt cho sức khỏe bé. Ẩn dưới vẻ huyền bí thì kinh nghiệm dân gian đầy tính khoa học, điều kiêng này thật ra để nhằm hạn chế việc lây bệnh cho bà mẹ và em bé khi sức đề kháng của cả hai còn yếu, mà không ai dám chắc người đến thăm có mang mầm bệnh hay không; thứ nữa là việc thường xuyên có người đến thăm chắc chắn sẽ làm môi trường tĩnh dưỡng của bà mẹ bị ảnh hưởng.
Ngay từ thuở xa xưa ông bà ta đã truyền dạy việc nuôi con bằng sữa mẹ. Nữ hộ sinh trưởng Khoa sản, BVĐK tỉnh, Nguyễn Thị Hòa Hưng phân tích: “Trước kia có giai đoạn người ta không cho con bú sữa mẹ vì sợ hư vú, dùng sữa ngoài em bé được bụ bẫm hơn… đó là quan niệm sai lầm. Rất may là quan niệm này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Tôi khẳng định, sữa mẹ vẫn là tốt nhất đối với em bé vì trong sữa các thành phần như chất béo, đạm thấp… phù hợp với sự hấp thu, đồng thời sữa mẹ có những kháng thể của người mẹ, tăng sức đề kháng cho em bé”.
Nói về tầm quan trọng của việc cho con bú sữa mẹ, trong cuốn sách “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng”, BS. Đỗ Hồng Ngọc nhấn mạnh: Với người mẹ, việc cho con bú cũng giúp ích rất nhiều. Nhờ cho bú, tử cung co thắt và trở về vị trí cũ mau lẹ (do đó người mẹ mới sinh trong lúc cho con bú thường thấy đau nơi bụng dưới), các kích thích tố được điều hòa khiến cho đời sống tâm lý của người mẹ phát triển tốt đẹp hơn bao giờ hết.
Bên cạnh y học hiện đại, ngày càng có thêm nhiều người quay về tìm lại những tri thức dân gian trong chăm sóc sản phụ sau sinh. Như vậy, kinh nghiệm dân gian vẫn được nhiều người sử dụng trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ sau sinh. Điều này chứng tỏ, minh triết dân gian không hề lỗi thời. Trên các diễn đàn, nhóm chia sẻ kinh nghiệm của các chị, em sắp, đã, đang làm bà mẹ bỉm sữa như Webtretho, Afamily, Hội những bà mẹ bỉm sữa Việt Nam… bên cạnh việc chia sẻ những vấn đề được bác sĩ khuyên làm thì mọi người vẫn truyền nhau cách chăm sóc, giữ gìn sức khỏe cho mẹ và bé theo kinh nghiệm dân gian được người lớn truyền lại. Khi những người trẻ tuổi biết cách chắt lọc, tiếp nhận tri thức dân gian, đó là tín hiệu rất vui.
THẢO KHUY