Nhiều vướng mắc trong hoạt động chứng thực
Nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan đã dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động chứng thực ở cấp huyện, xã.
Cần có chính sách đãi ngộ hợp lý đối với đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.
Theo đánh giá của Sở Tư pháp, sau 3 năm thực hiện Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16.2.2015 của Chính phủ (về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch), hoạt động chứng thực đã đi vào nền nếp, đội ngũ thực hiện công tác chứng thực đã quen với công việc. Trình tự, thủ tục được niêm yết công khai tại nơi tiếp công dân và được công bố trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh, Sở Tư pháp. Phó Giám đốc Sở Tư pháp Châu Thị Hương Lan cho rằng, hoạt động chứng thực đã phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chứng thực ngày càng tăng của công dân và các tổ chức.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác văn thư, lưu trữ trên lĩnh vực chứng thực tại các Phòng Tư pháp, UBND cấp xã còn một số hạn chế, bất cập. “Qua kiểm tra cho thấy, một số cơ quan chưa bố trí kho lưu trữ; tài liệu chưa được chỉnh lý, sắp xếp khoa học; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác văn thư, lưu trữ chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác văn thư, lưu trữ”, bà Lan cho hay.
Cùng với đó là nhiều vướng mắc xuất phát từ yếu tố khách quan. Khoản 3, điều 25 của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP quy định: “Không được chứng thực chữ ký nếu giấy tờ, văn bản mà người yêu cầu chứng thực ký vào có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội, tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ XHCN Việt Nam; xuyên tạc lịch sử dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân”.
Thực tế tại cơ sở, quy định này sẽ không phát sinh vướng mắc nếu giấy tờ, văn bản mà người yêu cầu chứng thực được lập bằng tiếng Việt. Tuy nhiên, nếu giấy tờ, văn bản đó được lập bằng tiếng nước ngoài thì người thực hiện chứng thực khó có thể hiểu được nội dung để giải quyết hay từ chối thực hiện chứng thực. Vì vậy, rất dễ dẫn đến việc người thực hiện chứng thực vi phạm điều cấm theo quy định.
Bên cạnh đó, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP chưa quy định cụ thể, rõ ràng về trình tự, thủ tục chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản khai nhận di sản. Từ đó, gây khó khăn, lúng túng khi giải quyết hồ sơ yêu cầu chứng thực của các loại giao dịch trên.
Đáng chú ý, lĩnh vực chứng thực cùng lúc chịu sự điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Hôn nhân và gia đình, cùng rất nhiều nghị định, thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Do đó, gây khó khăn trong quá trình nghiên cứu và áp dụng trong thực tiễn. Một số quy định của pháp luật có liên quan đến lĩnh vực chứng thực chưa được quy định rõ ràng, cụ thể, đồng bộ nhưng các bộ, ngành Trung ương chậm hướng dẫn thực hiện. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Chứng thực.
Đồng thời, đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị Bộ Tài chính cần có quy định trích từ nguồn lệ phí chứng thực để thực hiện chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức trực tiếp làm công tác chứng thực. Bởi, thực tế công tác Tư pháp nói chung, chứng thực nói riêng ngày càng nhiều và phức tạp, nhưng Nhà nước chưa có chính sách đãi ngộ hợp lý đối với đội ngũ công chức Tư pháp- Hộ tịch để động viên, khuyến khích họ yên tâm công tác, yêu ngành, yêu nghề…
Từ tháng 4.2015 đến tháng 6.2018, Phòng Tư pháp cấp huyện đã chứng thực 71.455 bản sao, số lệ phí thu được trên 297 triệu đồng; chứng thực 13.751 việc, lệ phí thu được trên 154 triệu đồng. UBND cấp xã chứng thực 3.699.837 bản sao, số lệ phí thu được trên 14 tỉ đồng; chứng thực 74.182 việc, lệ phí thu được trên 3 tỉ đồng. Từ năm 2016 đến nay, Sở Tư pháp đã tiến hành 3 đợt kiểm tra công tác chứng thực tại 11 phòng Tư pháp cấp huyện và 24 UBND cấp xã, với tổng số hơn 5.000 hợp đồng, giao dịch đã được kiểm tra.
MAI LÂM