Không để cứ có tiền thì xây kỳ quặc tùy thích
Lần đầu tiên được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét trong phiên họp sáng nay, 11.8, dự thảo Luật Kiến trúc được bố cục thành 4 chương, tổng cộng 37 điều, quy định 2 chính sách chính là Quản lý kiến trúc và Hành nghề kiến trúc.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp
Tuy nhiên, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, dự thảo Luật nặng về vào hành nghề kiến trúc mà hơi nhẹ về việc xác định, giữ gìn và phát triển bản sắc kiến trúc Việt Nam.
Cho ý kiến về dự án luật, nhiều ý kiến trong UBTVQH nhấn mạnh yêu cầu xác định và gìn giữ bản sắc kiến trúc dân tộc. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhận xét, về quản lý kiến trúc, nhiều nước có quy định nội dung rất quan trọng là kiến trúc công trình cần được coi như một tài sản xã hội, di sản cho thế hệ tương lai và chủ sở hữu hoặc người quản lý công trình phải tuân thủ. Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, dự thảo Luật nặng về vào hành nghề kiến trúc mà hơi nhẹ về việc xác định, giữ gìn và phát triển bản sắc kiến trúc Việt Nam.
“Bản sắc kiến trúc là vấn đề rất lớn. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 9 đã nêu rõ yêu cầu này, nhưng đã qua 3 kỳ Đại hội, chúng ta dường như vẫn chưa xác định được bản sắc kiến trúc; sự khác biệt giữa kiến trúc đô thị và nông thôn. Tôi biết Lào chưa có luật kiến trúc, nhưng người ta nhận thấy bản sắc ngay”, Tổng Thư ký Quốc hội trăn trở.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, Luật Kiến trúc cũng cần có những chế tài đủ mạnh, không để chủ đầu tư “thích làm gì thì làm”. Kiến trúc là bộ mặt của đô thị, đất nước, không phải có tiền thì cứ xây dựng kỳ quặc tùy thích.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng rất băn khoăn về vấn đề xây dựng bản sắc kiến trúc Việt Nam. “Chúng ta bị chiến tranh phá hủy nhiều công trình có giá trị. Tôi cũng kỳ vọng là khi ra luật thì công tác quản lý kiến trúc có bước tiến, tính sáng tạo trong kiến trúc được phát huy”.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình lưu ý đến thiết chế mới được quy định trong dự thảo là Hội đồng Kiến trúc quốc gia. Bày tỏ ủng hộ có thiết chế này, song ông Bình còn đề nghị đây không chỉ là tổ chức lâm thời, khi Thủ tướng thấy cần thiết thì thành lập, mà là một hội đồng hoạt động thường xuyên.
Về quản lý hành nghề kiến trúc sư, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nhận định, đây là một ngành nghề “đứng ở ranh giới giữa khoa học, công nghệ, văn hoá nghệ thuật”, cần xác định mục tiêu chính khi xây dựng Luật là vừa nhằm quản lý, vừa phát huy sự sáng tạo của ngành này, song dự thảo vẫn nghiêng về quản lý, mà chưa thúc đẩy sáng tạo.
Lưu ý đến một số điểm “vênh” với các luật hiện hành như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư…, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cụ thể: “Trong luật này ngành nghề “kinh doanh dịch vụ kiến trúc” chưa có trong Luật Đầu tư, tới đây sửa Luật Đầu tư thì cần lưu ý sửa luôn”. Tuy ủng hộ việc có thiết chế “Hội đồng Kiến trúc quốc gia”, nhưng ông Thanh lại cho rằng đây chỉ nên là một thiết chế lâm thời, không nhất thiết phải tồn tại thường xuyên…
Theo ANH PHƯƠNG (SGGP)