Huyện An Lão: Gắn dạy nghề với xây dựng nông thôn mới
Bám sát định hướng phát triển kinh tế và chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2017 và 2018, huyện An Lão tổ chức các lớp nghề cho lao động nông thôn thiết thực và hiệu quả.
Dạy nghề người lao động cần
Theo ông Từ Xuân Mười, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão, năm 2017, đơn vị phối hợp UBND các xã, thị trấn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, tham mưu UBND huyện định hướng một số nghề phù hợp điều kiện phát triển kinh tế gắn với đề án tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Kết quả, đã mở 2 lớp dạy kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm cho 70 lao động xã An Hòa nhằm phục vụ việc khôi phục vùng trồng dâu nuôi tằm truyền thống đã bị ảnh hưởng nặng do các đợt lũ vào cuối năm 2016. Đồng thời, mở 2 lớp trồng và chăm sóc cây bưởi da xanh, cây bơ cho 40 lao động xã An Toàn, đáp ứng việc triển khai đề án phát triển cây ăn trái ở xã vùng cao.
Ông Trần Văn Chín cho biết nhờ áp dụng các kiến thức của lớp đào tạo nghề trồng dâu nuôi tằm mà lứa dâu năm nay tốt hơn nhiều năm trước.
Chiều tháng 8, trên soi đất ven sông thuộc thôn Vạn Khánh, xã An Hòa, vợ chồng ông Trần Văn Chín và bà Đặng Thị Mai tất bật hái lá dâu. Nhét vội mớ lá dâu vào bao, thoăn thoắt lặt mớ lá mới, ông Chín so sánh: “So với lứa lá dâu gần đây nhất, tức năm 2016, ruộng dâu hôm nay tốt hơn hẳn. Lá dày, to bản. Cây dâu đều, sinh trưởng tốt”.
Hỏi về kinh nghiệm trồng dâu, bà Mai vui vẻ đáp: “Là nhờ áp dụng KHKT đó! Năm 2017, nhà tôi cùng bà con trong thôn đi học lớp dạy nghề trồng dâu nuôi tằm. Trước giờ mình chỉ áp dụng kinh nghiệm ông bà truyền lại, nay có thêm kiến thức, hướng dẫn thực hành từ các giáo viên, mọi thứ thuận lợi hơn”.
Trưởng thôn Vạn Khánh, ông Nguyễn Ngọc Tuấn góp thêm lời: “Từ các kiến thức, lý thuyết, bà con đã nắm rõ quá trình sinh trưởng của cây dâu, nhận diện đúng các loại bệnh, bón phân, phun thuốc đúng và đủ nên năng suất tăng lên. Hiện mỗi sào dâu của nhà tôi có thể đạt 500 kg lá, hơn hẳn các năm trước”.
Kết nối giải quyết việc làm
Từ năm 2015 đến nay, mô hình liên kết may gia công của các cơ sở may tư nhân tại xã An Hòa do Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội LHPN huyện An Lão, Phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão và Hội LHPN xã An Hòa tổ chức đã phát huy hiệu quả khi liên tục giải quyết việc làm cho lao động hoàn thành các lớp may công nghiệp. Học viên sẽ học ngay tại các cơ sở may nhằm tận dụng cơ sở vật chất có sẵn. Kết thúc lớp học, người lao động có thể làm việc ngay tại cơ sở may tư nhân hoặc thành lập tổ, nhóm, nhận hàng về may tại nhà để tranh thủ thời gian nhàn rỗi, tăng thu nhập cho gia đình.
Năm 2018, Công ty TNHH May Vinatex Bồng Sơn phối hợp với các đơn vị liên quan của huyện An Lão tuyển dụng 160 lao động, đặt cơ sở may ngay tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện để tạo điều kiện cho người lao động địa phương. Hiện, đã có 40 công nhân làm việc tại cơ sở này và 37 người khác sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề cũng sẽ làm việc tại đây.
Huyện An Lão tiếp tục khảo sát các DN và nhu cầu người lao động để xây dựng thêm các mô hình đào tạo gắn liền DN. Ông Từ Xuân Mười trao đổi thêm: “Trong năm 2018, Công ty TNHH mây tre đan Nhân Hòa (huyện Hoài Nhơn) sẽ mở rộng sản xuất nên có nhu cầu tuyển dụng lao động. Dự kiến, công ty sẽ phối hợp với các ngành của huyện tuyển sinh, mở một lớp nghề đan mây xuất khẩu. Sau học nghề, người lao động nhận nguyên, vật liệu do công ty cung cấp để làm tại nhà và được công ty thu mua”.
NGUYỄN MUỘI