Nâng tầm Hội chợ Gò
Ðược sự chấp thuận của UBND tỉnh, Sở VH&TT và UBND huyện Tuy Phước đang tiến hành lập hồ sơ khoa học, đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Hội chợ Gò - một trong những phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam.
Chợ Gò nô nức diễn ra mỗi sớm mùng Một Tết Nguyên đán. Cả năm trời nhóm họp duy nhất một ngày, hàng hóa chính là rau trái vườn nhà, chuyện đi chợ, mua - bán chỉ là phụ. Điều cốt yếu của việc có mặt ở phiên chợ độc đáo này là để du xuân, gặp gỡ đầu năm, cầu lành chúc phúc cho nhau… Chỉ vậy và cứ thế, chợ Gò đã tồn tại qua hàng trăm năm nay, được ghi danh vào “100 phiên chợ độc đáo nhất Việt Nam” (do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam bình chọn).
Hội đánh bài chòi cổ tại chợ Gò. Ảnh : SAO LY
Bên cạnh ý nghĩa văn hóa, một giá trị rất lớn nữa của chợ Gò còn nằm ở lịch sử hình thành. Về Lễ hội chợ Gò, sách “Tuy Phước - lịch sử và văn hóa” (NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2015) cho biết: “Gắn với truyền thuyết địa phương, nơi đây ngày xưa là tiền đồn của quân Tây Sơn đóng giữ để bảo vệ cảng Thị Nại và thành Hoàng Đế. Tết đến, Hoàng đế Quang Trung chỉ dụ cho phép mở hội vui xuân tại chợ Gò Trường Úc, trước là để nhân dân vui xuân sau chiến tranh mất mát, khổ nhọc, sau là để ba quân vui xuân vơi bớt đi nỗi nhớ gia đình. Chỉ dụ còn quy định thời gian vui xuân từ mùng Một đến mùng Ba Tết. Chợ Gò là nơi không có sự thách trả, cãi vã như thường ngày và sự mua bán chẳng qua chỉ là cách để trao cho nhau chút lộc đầu xuân, chúc phúc cho mọi người, mọi nhà năm mới an khang, thịnh vượng chứ không đơn thuần là lý do kinh tế…”.
“Lễ hội chợ Gò từ lâu đã trở thành một lễ hội truyền thống, một di sản văn hóa tinh thần quý báu của huyện Tuy Phước mà bao đời nay người dân luôn gìn giữ, kế thừa và phát huy”, ông Trần Hữu Tường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tuy Phước khẳng định.
Trầu cau, rau trái vườn nhà - những mặt hàng chính tại chợ Gò. Ảnh: VĂN LƯU
Trên cơ sở đề xuất của Sở VH&TT và UBND huyện Tuy Phước, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương nghiên cứu lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận Hội chợ Gò là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (tại văn bản số 5513, ban hành ngày 12.10.2017). Theo ông Võ Tuấn Khanh, Trưởng Phòng VH&TT huyện, công tác xây dựng hồ sơ đang được thực hiện, dự kiến hoàn thành vào quý I/2019 để UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt và trình Bộ VH-TT&DL xem xét, công nhận.
Theo đó, có chút thay đổi về tên gọi: di sản được xây dựng hồ sơ khoa học với tên gọi Hội chợ Gò, thay cho cách gọi Lễ hội chợ Gò hay Lễ hội chợ Gò - Trường Úc như lâu nay, ngụ ý nhấn mạnh vào tính chất “hội” của phiên chợ xuân dân gian độc đáo này. Theo kế hoạch, Hội chợ Gò Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 sẽ được tổ chức quy mô, bài bản và đa dạng về nội dung, hình thức, trước hết để hoàn thiện các khâu hình ảnh, phim tư liệu cho hồ sơ khoa học về di sản, đồng thời phục vụ nhân dân về dự hội, tăng cường quảng bá về chợ Gò.
Có thể thấy, những năm qua, việc tổ chức hội vui xuân tại chợ Gò rất được địa phương quan tâm. Nhất là từ Tết 2014, tại khu vực bến Trường Úc - được cho là nơi neo thuyền của nghĩa quân Tây Sơn khi xưa, một công trình có kiến trúc kiểu lầu vọng cảnh kết hợp với công viên ven sông Hà Thanh được hoàn thành, trở thành sân khấu chính tổ chức các hoạt động của Hội chợ Gò. Và chợ Gò mỗi năm như mỗi khác, không chỉ phong phú mặt hàng, người mua bán, đi chơi hội đông hơn, mà các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ cũng bài bản, đa dạng hơn, như biểu diễn ca - múa - nhạc, hát bội, bài chòi, trình diễn bả trạo, biểu diễn võ cổ truyền, trò chơi dân gian.
Ông Trần Hữu Tường chia sẻ, xác định việc phát huy và làm lan tỏa hơn nữa hình ảnh, giá trị Hội chợ Gò là mối quan tâm của chính quyền, nhân dân huyện Tuy Phước nhiều năm nay. Việc đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thành công sẽ tạo điều kiện để di sản được quan tâm, đầu tư để phát huy hiệu quả hơn.
SAO LY