Nỗi khổ “khó nói”
Nhiều phụ nữ bị viêm nhiễm âm đạo đã âm thầm chịu đựng, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống mà không biết rằng, bệnh có thể được chữa dứt điểm và điều trị càng sớm càng tốt.
Chuyện không của riêng ai
Sau khi chữa trị bệnh ngứa âm đạo suốt cả năm qua, chị Nguyễn Thị Hà (38 tuổi, TP Quy Nhơn) mới trở lại cuộc sống bình thường. Chị Hà không hiểu vì lý do gì vùng kín liên tục bị ngứa. Lúc đó chị nghĩ ngứa là bình thường. Nhưng về sau, ngứa ngày càng tăng. Chị tự ra tiệm thuốc tây mua thuốc về đặt âm đạo và uống. Nào ngờ, chị lại bị dị ứng thuốc. Hoảng quá, chị dừng đặt thuốc, chuyển qua chữa trị theo cách dân gian là mua lá trầu về nấu nước ngâm. Lúc đầu, chị cảm giác bệnh đỡ hẳn nên cứ thế ngâm nước lá trầu gần 1 tháng. Về sau, khi tình trạng bệnh nặng hơn thì chị mới tức tốc tìm đến bác sĩ chuyên khoa. Kết quả, chị phải chữa bệnh nấm vùng kín suốt cả năm mới đỡ. Chị Hà kể: “Bệnh này rất khó chia sẻ vì cứ lo sợ người ta nghĩ mình ăn ở không vệ sinh hay bậy bạ ngoài luồng gây bệnh. Ban đầu, tôi cũng giấu chồng tự chịu đựng một mình. Nhưng sau đó, tôi bị bệnh nặng và rất sợ mỗi khi gần chồng nên đành phải kể và chồng bắt đi chữa bệnh gấp. Tới bệnh viện, tôi mới biết nhiều người cũng bị bệnh như mình”.
Bác sĩ Lê Thị Sáu, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, khám bệnh phụ khoa cho phụ nữ huyện Hoài Ân.
Đối với phụ nữ ở thành phố, được tiếp cận nhiều nguồn thông tin, trang bị nhiều kiến thức mà còn ngại khi nói về căn bệnh này, chị em ở vùng nông thôn lại càng e ngại hơn, trong khi môi trường sống và lao động của các chị luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị lây nhiễm nấm, rận lông mu vùng kín khi đi làm ruộng, chăn nuôi, làm rẫy... Chị La Thị Thanh (45 tuổi, ở Hoài Nhơn) kể: “Khi bắt đầu viêm ngứa, tôi cố chịu đựng nhưng rất lo lắng, đêm ngủ không được, ngày cứ bần thần nhưng không dám kể với ai. Tôi ốm đi gần 5 kg, hốc hác. Chồng cứ tưởng tôi bị bệnh tâm lý hoặc ngoại tình bởi cứ né tránh chuyện vợ chồng. Vợ chồng lục đục mãi. Chị chồng tôi biết chuyện, đã khuyên tôi đi chữa trị ở Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh”.
Theo các chuyên gia, không ít phụ nữ khi thấy vùng kín khó chịu, ngứa rát đã dùng lá trầu xông, thụt rửa âm đạo. Loại lá này không những không thể chữa dứt điểm viêm nhiễm phụ khoa, mà còn làm tăng nguy cơ viêm nhiễm ngược dòng, ảnh hưởng tới chức năng sinh sản. Bệnh ngứa vùng kín có rất nhiều nguyên nhân nhưng nếu khám để tìm đúng bệnh chữa sớm thì sẽ khỏi bệnh, không gây hậu quả nghiêm trọng.
Nên điều trị sớm
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, trong 6 tháng đầu năm nay, có hơn 36.200 lượt phụ nữ đến khám phụ khoa. Trong đó, có gần 15.000 lượt chị phải điều trị. Kết quả này cho thấy, cứ 2,4 lượt người đi khám thì có 1 lượt người phải điều trị bệnh. Khi đường tiết niệu bắt đầu bị viêm nhiễm bởi vi khuẩn thường có những dấu hiệu dễ nhận biết sau: Tần suất đi tiểu trong ngày tăng lên nhưng lượng nước tiểu thải ra ít hoặc thậm chí bí tiểu. Có cảm giác đau rát trong khi tiểu, nước tiểu đục kèm mùi khó chịu. Nếu viêm nhiễm nặng hơn thì bạn còn gặp tình trạng đau bụng. Vị trí đau bụng thường không cố định bởi tùy thuộc vào vị trí bị viêm nhiễm trong đường tiểu. Ngoài ra, có khi thêm biểu hiện sốt nhẹ.
Khi phát hiện bệnh, nếu tự ý đặt thuốc tại nhà, chị em không thể xác định được liều lượng thích hợp. Nguy cơ đặt thuốc quá liều có thể xảy ra, chưa kể nguy cơ dị ứng thuốc. Theo bác sĩ Lê Thị Sáu, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, viêm nhiễm âm đạo có nhiều nguyên nhân, nhưng biểu hiện tương tự nhau (ngứa, khó chịu vùng kín). Vì vậy, việc tự dùng thuốc không đúng khiến bệnh kéo dài, có thể gây ra nhờn thuốc, khiến việc điều trị trở nên phức tạp hơn.
Phụ nữ mọi lứa tuổi, dù đã lập gia đình hay độc thân đều có nguy cơ mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Việc chữa căn bệnh này không khó nếu được thăm khám và điều trị sớm.
HẢI YẾN