Thị Nại, theo dấu chim nhàn nhạn
Hôm nay vợ chồng tôi lang thang theo bầy chim nhàn nhạn đuôi trắng xuôi về phía đầm Thị Nại, vừa hay gặp những người dân biển xúm xít ven đầm. Họ, người đang căng lưới, người đang trút cá, người đang ăn mì tôm, người xách rổ xuống bờ đá ngóng thuyền vào. Thấy tôi giơ điện thoại lên chụp ảnh, họ rộn ràng kêu vói, chào hỏi như gọi người thân lâu ngày trở lại.
Chúng tôi xin phép cô chủ thuyền bước lên chiếc thuyền con. Một nụ cười thân thiện mát dịu cả ban mai. Cô gái đang ăn mì tôm bẽn lẽn bưng bát mì qua chỗ khác, ý tứ tránh khuôn hình. Ăn xong, cô chồm qua mạn thuyền thu mấy vòng dây cước, lấy lên một rổ cá đang rộng nước. Những con cá bằng hạt bí, đen lánh, căng mẩy, há mồm chép chép như hỏi cô định đưa chúng cháu đi đâu. Cô gái vỗ vỗ vào thành rổ: Im nghen im nghen, có người rước tụi mày về nuôi cho sướng nghen!
Vừa dỗ lũ cá, cô vừa bước xuống nước lội sang phía người phụ nữ quần bó áo đôi, mũ sụp che gương mặt bịt khẩu trang kín mít. Người này tay trái đặt chiếc cân lên tảng đá, tay phải huơ huơ cái rổ không, bảo cô gái:
- Để ráo nước rồi đặt lên cân coi thử!
Cô gái làm theo. Cân xong, cô trút cá sang chiếc rổ trên tay chị kia, rồi cân lại chiếc rổ vừa đựng cá, động tác này dân buôn bán gọi là trừ bì. Đôi bên thuận mua vừa bán, người phụ nữ bịt mặt thò tay vào cổ áo, lôi từ vồng ngực ra một cái đãy vải. Chị tháo kim băng cài đãy ngậm ngang miệng, rồi lần tay rút mấy tờ bạc đưa cho cô gái.
Khi chị ta bưng rổ cá đi, tôi bước liền theo, mắt không rời lũ cá hạt bí, hỏi: “Cá gì vậy chị ơi?”. Chị liếc tôi, nửa hỏi nửa trả lời: “Cá dìa con mà chị hổng biết na? Cá dìa đó, nuôi ở hộc nước lợ cho tới khi trộng trộng mới xuất ra chợ. Biết hông?”. Một người đàn ông đang căng lưới, nghe vậy xen vào với chất giọng sóng gió: “Trộng trộng là lớn lớn đó, bả nói vậy nẫu hiểu không, nẫu ơi?”. Tiếng cười rộ lên, cả những người đứng trên con thuyền mới trờ tới cũng kịp nghe và cười theo giòn tan. À, tưởng gì, chứ cá dìa thì tôi biết. Đấy là loại cá quý, mình dẹt nhưng nhiều nạc. Nạc cá dìa trắng tinh, chắc và ngọt lịm. Một con cá dìa lớn có khi bằng cái đĩa đường kính mười tám, hai mươi phân, da trơn đen có đốm vàng, chiên rồi dầm mắm tỏi ớt, rắc thêm mấy sợi xoài xanh thì tuyệt hảo.
Con thuyền đầy khách vừa cập bến, kết thúc hải trình từ Cù lao Xanh vòng qua mũi Én của bán đảo Phương Mai về Thị Nại. Chặng đường vẽ trên mặt biển đúng nửa vầng trăng. Trong lúc người lái nhảy xuống nước để lựa thế neo thuyền, tôi bước vội lên mấy bậc kè để nhường chỗ cho mọi người trèo qua bờ đá. Một thanh niên - có lẽ là con trai chủ thuyền vì gương mặt hai người giống nhau như tạc - nhảy khỏi thuyền gọi mời chúng tôi mua cá, lời mời rất mộc mạc:
- Cá bống cô ơi! Rẻ òm à, mua về kho tiêu ăn cơm thủng nồi luôn!
Tôi đến gần, ghé mắt nhìn vào cái túi trên tay chàng trai: một mớ cá bống đang phập phồng thở, lẫn vài chú cua nhỏ nhướng mắt rướn que, giương cao cái càng phớt hồng dậm dọa trông thật ngộ nghĩnh. Tôi hỏi chàng trai trẻ:
- Chỗ cá này cháu bán bao nhiêu?
- Dạ, năm chục nghìn đồng! Chỉ mắc hơn bốn chục có mười nghìn thôi!
Chồng tôi vỗ vai chàng trai lém lỉnh. Cậu ta ngẩng nhìn, chợt reo lên:
- A, là chú! Năm ngoái chú ra cù lao Xanh phổ biến cấp phép tàu cá cho ngư dân, con tới đầu tiên luôn mà chú hổng nhớ con hả?
Chồng tôi nháy mắt xác nhận, chàng trai mừng ra mặt. “Con còn giữ số điện thoại chú nè. Để hôm nào con rủ mấy anh em câu mực rồi về trong này mời chú nhậu với tụi con nghe!”. Nói rồi, chàng trai trẻ dúi trả tờ năm chục nghìn vào tay tôi, bảo rằng chỗ cá đó cháu tặng cô chú lấy thảo. Tôi xua tay: “Cô nhận tấm lòng của cháu, còn tiền thì cháu giữ lấy. Cô cảm ơn cháu!”
Bấy giờ khách đã lên bờ hết, người cha hú con về thuyền. Lúc nhổ neo chuẩn bị quay lái, chàng trai còn đưa cao cánh tay nâu bóng vẫy chào tạm biệt.
Chúng tôi cũng lên xe đi men theo dải bờ, tìm một chỗ vắng vẻ thả đàn bống cua bé nhỏ về đầm. Không rõ những con vật may mắn ấy nghĩ gì. Thoạt tiên, chúng thả mình xuống và nằm dán vào một gờ đá hoặc mảnh gỗ gần đấy, để cơ thể đỡ choáng ngợp hoặc quen dần với vùng nước mới. Sau đó, một số con bắt đầu chuyển động. Các chú cua con sau vài phút lảo đảo liền hối hả tìm chỗ ẩn thân. Tôi để ý thấy lũ cá bé nhất phục hồi rất nhanh, chúng như những dấu phẩy đỏ hỏn chạy tới chạy lui, nhiều con quay lại trìu mến cọ vào tay tôi trước khi tung tăng bơi theo đàn. Thật khó tả về cái quẫy cựa mừng rỡ của những sinh linh vừa bị tách khỏi môi trường sinh tồn, lay lắt trong sự cầm giữ, bỗng nhoài mình trở về với nước trời lồng lộng. Là được giải thoát! Là tự do! Là sống lại!
Thị Nại! Thị Nại! Tôi thầm gọi tên đầm nước mặn mênh mông trước mặt. Nơi đây từng là quân cảng của Champa rồi Đại Việt. Ơi những lớp sóng! Đã cuốn về đâu những chiến thuyền hùng vĩ? Đã cuốn về đâu bầy sư tử biển tung bờm nghinh đón cặp minh quân - danh tướng Lý Thánh Tông - Lý Thường Kiệt giong buồm đến đây từ bình minh thế kỷ thứ X? Đã cuốn về đâu tiếng cười kiêu dũng của Chế Mân khi giơ gươm lược trận hải thuyền? Đã cuốn về đâu ánh mắt đăm chiêu của vua Trần Nhân Tông khi quyết định gả con gái yêu về Đồ Bàn để Đại Việt - Chăm Pa liên kết chống quân Nguyên xâm lược? Mặt nước xanh như chưa từng biết qua cơn mê binh lửa của Duệ Tông dưới vòm trời Phật Thệ, như đã tự thanh lọc qua trùng trùng sóng lửa hỏa công của Nguyễn Ánh thuở nào nhằm chiếm thành Quy Nhơn, thôn tính Tây Sơn? Danh tiếng Thị Nại lẫy lừng không chỉ bởi các trận chiến kinh thiên động địa, mà còn bởi nơi đây là tụ điểm giao thương khá lý tưởng của các thương thuyền Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh quốc vào thế kỷ XVI.
Trước thế giới, dấu ấn Thị Nại - Quy Nhơn không chỉ đóng khung trong vị thế quân sự và thương mại, mà còn là sự sinh động ngời ngợi tỏa ra từ một cộng đồng giàu sức sống. Trong cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621, phần hồi ức của nhà truyền giáo Cristopphoro Borri về cư dân Quy Nhơn tràn đầy thiện cảm, tác giả kể rằng ông được “quan trấn tỉnh Quy Nhơn” (tức khám lý quận công Trần Đức Hòa) mời tham dự các sinh hoạt địa phương, nhìn thấy “trò chơi và hội hè cho dân chúng, khi thì đấu thuyền, khi thì đua thuyền” ở các cửa biển, đặc biệt là vùng Thị Nại. Thông qua quan sát và cảm nhận sự say mê của cư dân biển Quy Nhơn trong những cuộc đua thuyền, đấu thuyền; cách họ điều khiển ngựa và thuyền, “thao luyện không ngớt”, cũng như quan sát thực tế về cách giao lưu mua bán thật thà và cởi mở giữa người Quy Nhơn với thương nhân ngoại quốc mà Borri từng chứng kiến ở vai trò nhà truyền giáo - phiên dịch đã khắc sâu vào ký ức ông ấn tượng mạnh mẽ. Ông không giấu sự ngạc nhiên khi biết lực lượng ngư dân “không phải chỉ được dùng để chèo mà còn chiến đấu khi cần, và họ chiến đấu rất anh dũng”. Phải chăng môi trường thiên nhiên khắc nghiệt và hào phóng của sông núi biển khơi Quy Nhơn, đã cùng với lịch sử chiến tranh dạn dày trên mảnh đất này, đã góp phần hun đúc, tôi luyện những con người gan dạ, dũng cảm khác thường, mà theo Borri khái quát, họ tiêu biểu cho “người Đàng Trong không giả đò, họ rất hăng hái và dũng cảm”, “không bao giờ tỏ ra sợ một nước nào trên thế giới”.
Từ quân cảng Thi lị bi nại thời hoàng kim Chăm Pa, đến thương cảng Thi Nại vang lừng thời các chúa Nguyễn, tiếp đó là cảng Thị Nại tiền đồn của kinh thành Hoàng Đế triều Tây Sơn, dù tên gọi có biến đổi chút ít, nhưng với người Bình Định và bạn bè bốn phương từng yêu Bình Định, những âm thanh đó hễ vang lên là gợi mở tầng tầng tiềm thức lịch sử hoành tráng, hiên ngang. Nếu mỗi thế kỷ là một ngọn núi thời gian, thì người Bình Định đã và đang băng qua hai mươi mốt ngọn núi lớn để tới mai sau. Trên từng chặng đường, Thị Nại luôn là tiềm thức ruột thịt của người Bình Định.
Thì đây, sớm mai nay, theo dấu chim nhàn nhạn, chúng tôi tận hưởng một Thị Nại sâu thẳm bình yên trải sóng cho những con thuyền xanh thênh thênh lướt gió. Họ đấy, những người từng gồng gánh lịch sử trên vai, từng chèo chống quê hương qua mọi thăng trầm bão tố. Trên mặt đầm, những tấm lưới bạc theo tay người bung ra, thu về, đánh bắt cá tôm, cung ứng điều hòa sự sống cho cộng đồng Quy Nhơn và các vùng phụ cận. Tiếng chào hỏi vồn vã khi lướt qua nhau sao mà đầy thương mến. Lâng lâng lặn ngụp trong bầu không khí biển dã nồng hậu, từ giọng người đến ngọn gió cũng âm vang mặn mà không chút đãi bôi, tưởng không quá khi tôi gọi đó là hạnh phúc!
TRẦN THỊ HUYỀN TRANG