Khuyết tật vận động ở trẻ em: Cần phát hiện và điều trị sớm
Có nhiều dạng khuyết tật vận động, đó là những dị tật, khiếm khuyết ở tứ chi ảnh hưởng đến vận động, sinh hoạt, thể chất... Do vậy, phụ huynh có con bị khuyết tật cần lưu ý để phát hiện và điều trị kịp thời, giúp cho trẻ có cuộc sống tốt đẹp.
Theo các chuyên gia, một số dấu hiệu ban đầu của trẻ bị khuyết tật vận động mà các phụ huynh cần lưu ý để phát hiện sớm như: Trẻ bất thường về cấu trúc; suy giảm chức năng vận động (phản xạ vận động bất thường, thiếu khả năng điều phối vận động phù hợp với lứa tuổi, vận động lặp lại hoặc dừng lại không có lý do, thăng bằng kém, trương lực kém); chậm phát triển vận động (không đạt được các mốc phát triển phù hợp với lứa tuổi chẳng hạn như điều khiển đầu, lẫy, điều khiển thân mình, ngồi, đứng, bò…); suy giảm vận động (trương cơ lực hay vận động có chiều hướng yếu đi thay vì trở nên tinh vi và mạnh mẽ hơn); suy giảm chức năng sinh lý thần kinh (biểu hiện bất thường ở hành vi mút, nắm, tư thế, phản xạ, trương lực cơ, vận động chậm chạp).
Bệnh nhân Đặng Quốc Huy bị tật vòng thắt bẩm sinh ở tay vừa được phẫu thuật tại Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Quy Nhơn.
“Dựa vào sự phát triển theo tuổi, các hoạt động, sinh hoạt, những biểu hiện trên cơ thể trẻ, chúng ta có thể phát hiện ra trẻ bị khuyết tật vận động. Trong các dạng khuyết tật, bàn chân bẹt là dạng khó phát hiện, khó nhận thấy vì theo quan niệm dân gian, bàn chân bẹt là bàn chân đầy đặn, tướng số giàu có. Tuy nhiên, đó là một quan niệm sai lầm, nếu không chữa trị kịp thời sẽ không những ảnh hưởng đến bàn chân, sinh hoạt, đi đứng mà dần dà sẽ ảnh hưởng đến cột sống, cổ... Ở các trẻ bị tật vẹo cổ phải được phát hiện trước 2 tháng tuổi, nếu lớn dần sẽ gây biến dạng cho toàn khuôn mặt và điều trị rất khó”- Bác sĩ CKI Phan Trần Đại Nhân, Trưởng Khoa khám của Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Quy Nhơn, lưu ý.
“Trong phát hiện và điều trị trẻ khuyết tật vận động, cùng với các tác động y tế, còn có vai trò rất quan trọng của cha mẹ, trước hết là cần lưu ý theo dõi, phát hiện sớm các điểm bất thường trên cơ thể, hoạt động của con để đưa đến cơ sở y tế điều trị kịp thời. Tôi xin nhấn mạnh là đừng chần chừ! Trong quá trình điều trị, phụ huynh cần luyện tập, uốn nắn cho con để nâng cao hiệu quả điều trị...”
Bác sĩ CKI PHAN TRẦN ĐẠI NHÂN
Có nhiều nguyên nhân gây ra khuyết tật vận động ở trẻ, dị tật có thể biểu hiện từ trước sinh, trong sinh, sau sinh. Tùy theo bệnh và giai đoạn bệnh, các bác sĩ sẽ có cách điều trị khác nhau như vật lý trị liệu, bó bột, phẫu thuật. Nếu trẻ bị khuyết tật được phát hiện kịp thời, có phương pháp điều trị càng sớm thì hiệu quả càng cao và ít tốn kém. Khi trẻ lớn, xương cơ bắt đầu cứng cáp thì phải can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật, phải mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí.
Ở các trẻ bị khuyết tật nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng, đặc biệt càng lớn, cân nặng sẽ càng tăng, ảnh hưởng đến việc luyện tập, phục hồi. Như trường hợp em Võ Hữu Tánh (14 tuổi, quê gốc ở xã Tam Quan, Hoài Nhơn, hiện đang sống tại Lâm Đồng) bị bại não gây ảnh hưởng đến các chức năng vận động. Theo bố của Hữu Tánh cho biết, đã phát hiện con mình bị tật từ khi 5 tháng tuổi, hồi đó đặt đâu nằm đó chứ cháu không biết lật, hơn 10 tháng chưa biết ngồi. Gia đình đưa đi khám thì các bác sĩ bảo Tánh bị bại não, phải chữa chạy nhiều nơi. Tánh thường ở nhà với bà nội già yếu nên không giúp cháu luyện tập được, khiến cơ thể Tánh càng yếu thêm. Được đưa vào khám và điều trị tại Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Quy Nhơn, đến nay sau hơn 2 tuần được bác sĩ tiến hành mổ thành công, hiện Tánh đã tự tập luyện đi lại, vận động được.
Em Lê Hoàng Yến Vy (Khánh Hòa) bị mắc chứng khớp giả bẩm sinh không được chữa trị kịp thời bởi hoàn cảnh gia đình khó khăn. Khi đưa vào chữa trị tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Quy Nhơn, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật ghép xương gối để nối dài chân cho cháu. Hiện đã trải qua đến 5 lần phẫu thuật, Yến Vy đang tập đi lại trong ánh mắt theo dõi đầy hy vọng của người thân.
THẢO KHUY