Cần phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam
Hội nghị “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững” do Bộ VHTTDL vừa tổ chức tiếp tục nhấn mạnh cách xử lý di sản: Cần đặt trong tổng thể các mối quan hệ để đảm bảo văn hoá di sản sẽ gắn kết với cộng đồng, tăng tình đoàn kết, mang lại sức mạnh nội sinh và tăng cường sức mạnh mềm của đất nước.
Không phá hủy di sản
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, di sản là báu vật thiên nhiên ban tặng cho đất nước, là kết tinh lao động sáng tạo của ông cha ta từ đời này qua đời khác, vì vậy chúng ta tuyệt đối không được phá huỷ, làm hỏng hay hy sinh di sản vì bất cứ lý do gì. “Cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới cần được giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị, trong đó có việc phải nghiêm túc thực hiện các cam kết với UNESCO và quốc tế. Ảnh: Nguyễn Thị Thùy Ân.
Thủ tướng cũng nhắc lại câu chuyện năm 2017, trong buổi tiếp một tỉ phú, hoàng thân của Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất, vị khách này đã chia sẻ rằng, họ “ghen tị” với đất nước Việt Nam vì có quá nhiều di sản thiên nhiên. Chia sẻ những điều này, Thủ tướng cho thấy chúng ta cần tự hào và vinh dự được thừa hưởng những giá trị di sản do tổ tiên để lại đồng thời cần phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn phát huy giá trị bền vững của những di sản đó.
Trên thực tế, nhiệm vụ bảo tồn và phát huy những di sản văn hoá đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Lượng khách du lịch quốc tế, trong nước tới tham quan các khu di sản ở Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây đặc biệt là một số khu di sản như vịnh Hạ Long, quần thể di tích Cố đô Huế, phố cổ Hội An... Năm 2017, riêng 8 khu di sản văn hoá - thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đón hơn 16 triệu lượt khách với doanh thu từ vé tham quan và phí dịch vụ khoảng 2.500 tỉ đồng. Trong đó, nhiều di sản văn hoá phi vật thể đã trở thành những điểm nhấn thu hút du khách, tạo nên thuơng hiệu riêng của các địa phương có di sản.
Luôn sáng tạo và năng động
Theo thống kê của Bộ VHTTDL, di sản cả nước hiện nay có khoảng 40.000 di tích (trong đó gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố, 3.463 di tích quốc gia, 95 di tích quốc gia đặc biệt); 61.669 di sản văn hóa phi vật thể (trong đó 249 di sản được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia); 161 bảo tàng, 142 bảo vật quốc gia và trên 3 triệu tài liệu, hiện vật. Ngoài ra, nổi bật trong số đó là 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 12 di sản văn hóa phi vật thể và 7 di sản tư liệu được UNESCO công nhận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, cần phải luôn “sáng tạo và năng động” để di sản có giá trị trong cuộc sống cho thế hệ hiện tại hoặc phải giáo dục về di sản để tạo nguồn cảm hứng nuôi dưỡng lòng tự hào tự tôn dân tộc. “Di sản không phải là di sản chết mà phải đóng góp vào phát triển bền vững. Như vậy chúng ta có nhiệm vụ làm di sản luôn hồi sinh và tồn tại có ích. Để phát huy giá trị di sản phi vật thể cần tôn vinh các nghệ nhân và coi họ chính là báu vật sống của quốc gia. Giải quyết hài hoà lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, gìn giữ di sản và phát triển du lịch”, Thủ tướng nói.
Từ những nhận định này, Thủ tướng cũng phân tích và gợi ý một số nguyên tắc phương hướng bảo tồn, phát huy di sản bền vững: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của quần chúng và cộng đồng. Cần thiết đẩy mạnh hội nhập và giao lưu quốc tế trong bảo tồn và quản lý di sản vì bản chất của di sản và văn hóa là giao lưu. Bên cạnh đó, phải nghiêm túc thực hiện các cam kết với UNESCO và quốc tế...
Theo MAI KA (LĐO)