Tổng Bí thư: Cán bộ ngoại giao phải tỉnh táo trước các thế lực thù địch
Dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 sáng nay (13.8) tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở cán bộ ngành ngoại giao phải luôn tỉnh táo trước các thế lực thù địch, không để “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, vướng vào tham nhũng.
Đánh giá về những thành tựu đạt được của ngành ngoại giao thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, công tác đối ngoại đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trở thành một điểm sáng trong toàn bộ những thành tựu chung của đất nước.
Điều này, theo Tổng Bí thư, là sự khẳng định tính đúng đắn trong đường lối đối ngoại của Đại hội XII và các chủ trương liên quan đến công tác đối ngoại của Đảng. “Trong các tình huống phức tạp, chúng ta đã "kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược", bám sát yêu cầu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, kết hợp với yêu cầu bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước” – Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tuy nhiên, cho rằng không nên tự mãn với kết quả đã đạt được, bởi trước mắt còn rất nhiều việc phải làm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu kiểm điểm thật kỹ, từ đó rút kinh nghiệm từ những thành tựu đạt được, cũng như đánh giá kỹ những hạn chế trong công tác đối ngoại để chủ động khắc phục. Người đứng đầu Đảng cũng lưu ý ngành ngoại giao về những thách thức mới trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia trên biển.
“Đó là do sự biến động phức tạp của tình hình, sự thay đổi so sánh lực lượng, sự tính toán của các nước có liên quan, sự nổi lên của chủ nghĩa đơn phương, thiếu tôn trọng luật pháp quốc tế. Các cơ chế kiểm soát bất đồng, khủng hoảng trong khu vực chưa phát huy hiệu lực, hiệu quả; các thể chế đa phương khó đạt được lập trường chung đủ mạnh. Tình hình trên thực địa tiếp tục phức tạp, nguy cơ va chạm, đụng độ chưa được đẩy lùi” – Tổng Bí thư nêu.
Tương tự, Tổng Bí thư nhắc nhở kinh tế đối ngoại có thể sẽ gặp những thách thức mới do chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng ở các thị trường xuất khẩu lớn của ta; chiến tranh thương mại giữa các nước lớn đang hiện hữu... Trong khi đó, vai trò của các thể chế đa phương lớn như WTO, APEC đang bị đe doạ. Vai trò của các thể chế đa phương đang có xu hướng giảm đi trước lối hành xử chính trị cường quyền coi trọng song phương...
Tiếp tục khẳng định thành tựu ngoại giao là nền tảng căn bản, là chỗ dựa vững chắc cho công tác ngoại giao của ta trước một thế giới đầy biến động, Tổng Bí thư chỉ ra một số vấn đề ngành ngoại giao cần quan tâm trong thời gian tới nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của công tác đối ngoại từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội.
Liên quan đến công tác cán bộ, Tổng Bí thư nhắc nhở các cán bộ ngành ngoại giao phải không ngừng rèn luyện vững vàng về chính trị, luôn trung thành tuyệt đối với lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc, tỉnh táo trước sự tác động của các thế lực thù địch, chủ động tích cực phòng ngừa không để "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", vướng vào tham nhũng, tiêu cực.
“Một nhà ngoại giao giỏi trước hết phải là một nhà chính trị giỏi, luôn lấy lợi ích của quốc gia, của chế độ làm kim chỉ nam trong hành động. Nhà ngoại giao luôn ghi nhớ rằng, phía sau mình là Đảng, là đất nước, là nhân dân. Phải tự tin, vững vàng, kiên định và khôn khéo” – Tổng Bí thư nói.
Hội nghị ngành ngoại giao lần thứ 30 diễn ra tại Hà Nội từ 13 – 17.8.2018. Đây là dịp kiểm điểm giữa kỳ việc triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, hướng tới thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng XII và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.
Tính đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 quốc gia, đối tác toàn diện với 11 quốc gia và quan hệ chiến lược đặc biệt với Lào và Campuchia. Các mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện tiếp tục được thúc đẩy, phát huy được các mặt tích cực.
Mặc dù xu hướng bảo hộ nổi lên ở nhiều nơi trên thế giới, kim ngạch thương mại và thu hút vốn đầu tư, du lịch từ các đối tác chủ chốt năm sau vẫn tăng hơn năm trước. Hiện đã có tổng cộng 71 nước công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; Việt Nam đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 10 hiệp định đã có hiệu lực. Hội nhập kinh tế tiếp tục tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế nước ta...
Theo Hải Triều (congan.com.vn)