Lộ trình chuyển đổi 13 trường mầm non, mẫu giáo sang tự chủ hoàn toàn về tài chính: Cần có kế hoạch cụ thể
Có khá nhiều nguyên nhân khiến việc chuyển đổi 13 trường mầm non, mẫu giáo bán công sang loại hình trường công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính không thể thực hiện vào năm học 2018 - 2019 như lộ trình đã đề ra. Và dù kế hoạch này đã được UBND tỉnh gia hạn, nhưng vẫn còn nhiều điều cần bàn thêm.
Trường Mẫu giáo Hương Sen (TP Quy Nhơn) đang rất cần được đầu tư về cơ sở vật chất để có thể chuyển đổi sang loại hình tự chủ hoàn toàn về tài chính từ năm học 2020 - 2021.
- Trong ảnh: Cô và trẻ Trường Mẫu giáo Hương Sen.
Sau khi có Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh ra quyết định gia hạn thời gian chuyển đổi sang tự chủ hoàn toàn về tài chính thêm 2 năm học tới (với 3 trường) và 7 năm học tới (với 10 trường). Theo nhiều chuyên gia của ngành giáo dục, lộ trình gia hạn như vậy không phải là “thong thả” so với khó khăn phải tháo gỡ. Vì vậy rất cần tích cực triển khai thực hiện ngay để đảm bảo về đích đúng quy định.
Ông Nguyễn Đình Hùng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, trao đổi: “Việc gia hạn thời gian chuyển đổi theo quyết định của UBND tỉnh lấy căn cứ từ tình hình thực tế của các trường, ý kiến của các địa phương cùng một số nguồn khác và đã có sự cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Sau khi có quyết định tỉnh, Sở GD&ĐT đã gởi văn bản yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi cụ thể, chi tiết từng năm cho từng trường, gởi Sở tổng hợp để báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương triển khai thực hiện”.
Trong số những việc phải “gỡ”, nhiều giáo viên cho rằng, đầu tư về cơ sở vật chất là việc quan trọng hơn cả và cần được thực hiện nghiêm túc. Bởi đa số các trường được gia hạn vốn đã qua 30 - 40 năm sử dụng, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng và gây khó khăn cho công tác triển khai các hoạt động dạy - học. Mặc dù hàng năm nhà trường vẫn được sửa sang, nâng cấp nhưng kết cấu ở một số khu vực đã hư hỏng nặng; cộng với thiết kế của trường liên cơ trước đây không còn phù hợp với yêu cầu dạy - học hiện tại, nên cần phải đầu tư rất lớn.
Thực trạng trên cộng với việc phải đầu tư xây dựng thành trường chất lượng cao như Đề án chuyển đổi quy định (nhằm tạo ra sự tương xứng với mức học phí), đòi hỏi cùng một lúc phải xử lý rất nhiều việc, nên phải có kế hoạch chi tiết, cụ thể và phải tiến hành sớm mới hy vọng thực hiện đúng với yêu cầu của UBND tỉnh.
TP Quy Nhơn có 5 trường phải chuyển đổi sang loại hình này, trong đó có 3 trường được gia hạn thêm 2 năm học và 2 trường gia hạn thêm 7 năm học. Ban Thường vụ Thành ủy đang xem xét cho ý kiến việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường để trên cơ sở đó, UBND thành phố có ý kiến chỉ đạo Phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch chi tiết từng năm cho từng trường. Tuy nhiên, qua khảo sát sơ bộ, đến nay, một số địa phương vẫn chưa có những động thái nào cụ thể.
Có thể thấy rằng, thời gian qua, ngành giáo dục và các trường liên quan đã hết sức quan tâm đến việc chuyển đổi này, vậy nhưng để có thể tháo gỡ hết khó khăn, đảm bảo lộ trình gia hạn đã đề ra, cần có thêm sự quan tâm vào cuộc tích cực, hiệu quả của các bên liên quan.
Với 3 trường ở TP Quy Nhơn là Trường Mầm non Quy Nhơn, Trường Mầm non 2-9 và Trường Mẫu giáo Hương Sen, từ năm học 2018 - 2019 đến năm học 2019 - 2020 thực hiện 70% tự chủ về tài chính; từ năm học 2020 - 2021 trở đi thực hiện tự chủ 100% về tài chính.
10 trường mầm non còn lại sẽ thực hiện lộ trình cụ thể như sau: Từ năm học 2018 - 2019 đến năm học 2019 - 2020 thực hiện 50% tự chủ về tài chính, từ năm học 2020 - 2021 đến năm học 2024 - 2025 thực hiện 70% tự chủ về tài chính và từ năm 2025 - 2026 trở đi thực hiện 100% tự chủ về tài chính. Ðây là các trường: Mầm non Họa Mi, Mầm non Tam Quan (huyện Hoài Nhơn), Mầm non thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ), Mầm non 19-5 (huyện Phù Cát), Mầm non Tuy Phước (huyện Tuy Phước), Mầm non Tây Sơn (huyện Tây Sơn), Mầm non phường Ðập Ðá, Mầm non TX An Nhơn (TX An Nhơn), Mầm non Hoa Sen, Mầm non Phong Lan (TP Quy Nhơn).
NGỌC TÚ