Phát huy giá trị di sản văn hóa ở Tuy Phước: Cần có sự đột phá
Với 16 di tích lịch sử văn hóa được công nhận (gồm 4 di tích cấp quốc gia và 12 di tích cấp tỉnh), Tuy Phước là huyện có hệ thống di sản lịch sử - văn hóa phong phú, đa dạng...
Với 16 di tích lịch sử văn hóa được công nhận (gồm 4 di tích cấp quốc gia và 12 di tích cấp tỉnh), Tuy Phước là huyện có hệ thống di sản lịch sử - văn hóa phong phú, đa dạng.
- Trong ảnh: Di tích Chùa Bà ở thôn An Hòa, xã Phước Quang.
Thời gian qua, cùng với kế hoạch phát triển du lịch của huyện, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn, công tác quản lý các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng của huyện đã có những chuyển biến tích cực. Từ việc tuyên truyền các giá trị của di tích lịch sử trong nhân dân đến thực hiện công tác quản lý chuyên môn như kiểm kê, tu bổ, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị các di tích ngày càng được mở rộng và nâng cao hiệu quả…
Tuy Phước cũng có nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc và nổi tiếng, thu hút đông đảo khách du xuân đến thưởng lễ hàng năm như lễ hội Chợ Gò truyền thống ở thị trấn Tuy Phước (họp vào ngày mùng 1 Tết hàng năm); lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Gò Bồi (mùng 2 Tết); lễ hội Đô thị Nước Mặn (cuối tháng Giêng, đầu tháng 2 âm lịch) ở thôn An Hòa, xã Phước Quang; lễ hội Cầu ngư ở thôn Bình Thái, xã Phước Thuận (16.2 âm lịch)… Việc phát huy giá trị các lễ hội cũng góp phần cho công tác bảo tồn, bảo tàng di tích có thêm điều kiện hoàn thiện hơn.
Ông Võ Tuấn Khanh, Trưởng phòng Phòng VH&TT huyện, cho biết: “Những năm gần đây, bằng nguồn kinh phí của Trung ương, của tỉnh và của địa phương,Tuy Phước đã hoàn thiện công tác tu bổ, trùng tu một số di tích lớn. Bên cạnh đó, huyện cũng đã khảo sát, đề nghị các ngành chức năng của tỉnh cùng địa phương tiến hành tu bổ, sửa chữa, nâng cấp và mở rộng Di tích lịch sử Chùa Bà, di tích lịch sử Nước Mặn - nơi phôi thai chữ Quốc ngữ (xã Phước Quang), Nhà Lưu niệm nhà thơ Xuân Diệu (xã Phước Hòa), Tiểu chủng viện Làng Sông (xã Phước Thuận), lăng mộ Phó tướng Lê Tuyên (xã Phước Nghĩa), lăng mộ cụ Nguyễn Diêu (xã Phước Sơn), đường vào lăng mộ Lê Công Miễn (xã Phước Hiệp); đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền xếp hạng các di tích Nơi hình thành Lễ hội Chợ Gò - Trường Úc (thị trấn Tuy Phước)…”.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý các di tích lịch sử vẫn còn một số hạn chế, đó là: kinh phí cho hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di tích còn ít; nhận thức một số người dân chưa cao trong việc giữ gìn và bảo vệ các di tích lịch sử trên địa bàn; việc phân cấp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích vẫn còn nhiều bất cập cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của huyện.
Một vấn đề nữa cũng đáng lưu ý là cùng với các di tích, lễ hội, Tuy Phước cũng là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng như nem chả chợ Huyện, bánh hỏi ở thị trấn Diêu Trì, bánh ít lá gai ở thị trấn Tuy Phước, bánh xèo Mỹ Cang, Phước Sơn và đặc sản biển ở Vinh Quang, Phước Sơn… Nhưng việc kết nối các giá trị văn hóa - lợi thế về du lịch với sự phong phú về đặc sản, sản vật địa phương còn chưa liền lạc, chưa đúng với tiềm năng sở hữu.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tuy Phước lần thứ XX xác định “… Quản lý, phát huy tốt các giá trị lịch sử văn hóa, các di tích cách mạng; tiến hành khảo sát, quy hoạch để đầu tư xây dựng hệ thống các điểm du lịch gắn với các di tích”. Từ đây có thể thấy, việc quy hoạch, trùng tu các di tích lịch sử - văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng đang cần những đột phá mới. Có như vậy mới tạo ra sức hấp dẫn đối với du khách, tạo môi trường đầu tư tốt, kích thích du lịch văn hóa phát triển. Đây chính là tiền đề để xây dựng thương hiệu du lịch Tuy Phước, góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Khi đó du lịch sẽ quay lại tác động tích cực đến công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
HUỲNH NAM VIỆT