Phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016-2020: Ðủ lượng và chất
Thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội XIX Ðảng bộ tỉnh về Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 20.10.2016 về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020 (gọi tắt là Chương trình), sau hơn 2 năm triển khai và thực hiện, một số chỉ tiêu đã đạt, vượt so với kế hoạch đề ra. Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình, mục tiêu đến năm 2020, phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đảm bảo về số lượng và chất lượng.
Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và các địa phương luôn quan tâm coi trọng việc phát triển nguồn nhân lực, xem đây là yếu tố quyết định trong sự nghiệp phát triển KT-XH của địa phương. Do đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, bố trí nguồn lực và liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu phát triển của tỉnh và mỗi cơ quan, đơn vị địa phương trong tỉnh.
Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng; gắn đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch, bố trí sử dụng cán bộ và Đề án vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, viên chức của từng cơ quan, đơn vị. Tỉ lệ cán bộ công chức, viên chức được đào tạo theo yêu cầu tiêu chuẩn ngạch công chức tăng lên. Chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức được nâng lên về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực, kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng hành chính, hoạt động có hiệu quả hơn đáp ứng nhu cầu cải cách hành chính; đội ngũ cán bộ công chức trẻ có trình độ, năng lực được tăng cường, bổ sung tạo nguồn nhân lực kế thừa các vị trí quan trọng trong các cơ quan, đơn vị, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.
Công tác dạy nghề từng bước được nâng lên. Các ngành nghề đào tạo được điều chỉnh theo yêu cầu cơ cấu ngành nghề phục vụ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; mạng lưới các trường đào tạo và dạy nghề được củng cố theo hướng tinh gọn, hiệu quả; mô hình và hình thức đào tạo, bồi dưỡng nghề ngày càng mở rộng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nghề của người lao động.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh được nâng lên so với trước, nhiều chỉ tiêu cụ thể đã tiếp cận, đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh và các địa phương trong tỉnh.
Đến năm 2020: Đủ lượng và chất
Cũng theo Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, tồn tại. Đó là công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đáp ứng nhu cầu thực tế và yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh và các địa phương trong tỉnh. Cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, còn thiếu nhân lực có trình độ cao trên các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật, y tế, môi trường, du lịch. Chương trình dạy nghề ngắn hạn chất lượng chưa cao, khả năng áp dụng vào thực tế còn hạn chế; còn 20% số lao động qua đào tạo nghề chưa có việc làm hoặc chưa tìm được việc làm phù hợp. Việc đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ xã, phường, thị trấn, nhất là cán bộ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, có nơi đào tạo chưa gắn với quy hoạch, sử dụng cán bộ.
Để phát triển nguồn nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng theo chỉ tiêu đề ra, đồng chí Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình, đề nghị: Mỗi cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần xác định phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, cấp bách và lâu dài để phát triển KT-XH. Khi phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án mới cần gắn với dự báo nhu cầu sử dụng lao động và các giải pháp về nguồn nhân lực của từng dự án. Tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức; tích cực phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo tài năng của tỉnh từ các cấp học phổ thông trở lên. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, mở rộng quy mô đào tạo gắn với các chương trình phát triển KT-XH của tỉnh, đặc biệt chú ý đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo công nhân lành nghề bậc cao cho các khu công nghiệp, lao động xuất khẩu và các ngành dịch vụ có lợi thế của tỉnh. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016-2020: Ðã đào tạo tiến sĩ và tương đương, đạt 70% chỉ tiêu cả nhiệm kỳ; đào tạo thạc sĩ và tương đương, đạt 38,7% chỉ tiêu cả nhiệm kỳ; tỉ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng nghề đạt 50,1% (chỉ tiêu đến năm 2020 là 56%); giải quyết việc làm năm 2016 đạt 29.715 lao động, năm 2017 đạt 29.812 lao động (chỉ tiêu đề ra bình quân 28.000 - 32.000 lao động/năm); 90% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện đạt chuẩn chức danh theo quy định (chỉ tiêu đề ra 100%); 93,8% cán bộ, công chức cấp xã vùng đồng bằng, đô thị và 89,5% cán bộ, công chức cấp xã vùng miền núi đạt chuẩn chức danh theo quy định.
NGUYỄN PHÚC