Bảo vệ rừng giáp ranh giữa 2 huyện An Lão và Hoài Nhơn: Chưa hết khó!
Vụ phá gần 61 ha rừng xảy ra tại tiểu khu 1, xã An Hưng (An Lão), nơi giáp ranh với xã Hoài Sơn (Hoài Nhơn) xảy ra vào năm 2017 là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho chính quyền địa phương lẫn lực lượng kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Sau sự việc này, chính quyền 2 địa phương đã quan tâm, thắt chặt hơn công tác này.
Đẩy mạnh tuần tra, truy quét
Ông Đoàn Văn Tá, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, nhận định: Vùng rừng giáp ranh giữa huyện An Lão và Hoài Nhơn là một trong những điểm “nóng” về tình hình phá rừng, vận chuyển lâm sản và lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật. Vụ phá gần 61 ha rừng ở tiểu khu 1, xã An Hưng (An Lão) đã nói lên điều đó. Do vậy, để ngăn chặn kịp thời, hiệu quả tình trạng này, Chủ tịch UBND huyện An Lão và Hoài Nhơn đã chỉ đạo UBND các xã, Hạt Kiểm lâm và các ban ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, xây dựng quy chế và kế hoạch phối hợp kiểm tra, kiểm soát, chốt chặn vùng giáp ranh. Từ đó đến nay, số vụ vi phạm Luật Bảo vệ - Phát triển rừng được ngăn chặn, giảm thiểu đến mức thấp nhất.
Lực lượng Kiểm lâm 2 huyện An Lão và Hoài Nhơn trong một đợt kiểm tra vùng rừng giáp ranh giữa 2 xã An Hưng (An Lão) và Hoài Sơn (Hoài Nhơn).
Đáng chú ý, đầu năm 2018 đến nay, lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng 2 huyện đã phối hợp tổ chức kiểm tra, truy quét 84 đợt tại vùng rừng giáp ranh. Kết quả, đã phát hiện, hủy tại rừng 10 ster củi, 6 lò than, 900 kg than hầm; bắt giữ gần 5,2 m3 gỗ tròn, 3 máy cưa chuyển UBND xã An Hưng xử lý theo quy định; đồng thời, phát hiện, xác lập hồ sơ, khởi tố và chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra CA huyện An Lão điều tra xử lý 1 vụ phá rừng quy hoạch chức năng phòng hộ tại khoảnh 3, tiểu khu 15 với diện tích trên 4.000 m2, do UBND xã An Hưng quản lý.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, đánh giá: “Việc duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, truy quét và tuần tra, kiểm soát lâm sản giữa lực lượng bảo vệ rừng của 2 địa phương thời gian qua đã từng bước đẩy lùi, giảm tác động xâm hại đến tài nguyên rừng ở vùng giáp ranh”.
Còn nhiều khó khăn, trở ngại
Tuy việc quản lý, bảo vệ rừng ở vùng giáp ranh 2 huyện An Lão và Hoài Nhơn được duy trì khá thường xuyên; song theo đánh giá của chính quyền 2 địa phương thì nỗi lo về nguy cơ xâm hại rừng, đất lâm nghiệp ở đây vẫn còn rất lớn. Ông Nguyễn Hồng Tấn, Phó Hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn, nhận định: Vùng rừng giáp ranh giữa 2 huyện có diện tích khá lớn, phân bổ phân tán ở những địa hình hiểm trở, xa xôi. Trong khi đó, lực lượng làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng lại mỏng; kinh phí cho hoạt động tuần tra, kiểm soát hạn hẹp. Do đó, ít nhiều cũng gây ảnh hưởng tới công tác kiểm tra, truy quét. Hơn nữa, một số xã còn ỷ lại việc quản lý, bảo vệ rừng là nhiệm vụ của kiểm lâm, chưa thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, chỉ thị về bảo vệ rừng nên một số nơi lâm tặc lợi dụng sơ hở này để xâm hại rừng.
Tương tự, ông Đoàn Văn Tá, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, cho biết thêm: “Diện tích rừng ở vùng giáp ranh giữa 2 huyện đa phần ở cách xa khu dân cư. Do đó, thông tin tố giác các hành vi xâm hại rừng từ người dân tới chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có thẩm quyền đôi lúc còn chậm. Lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng, nên nhiều khi không quán xuyến hết diện tích rừng hiện có; gây khó khăn cho công tác quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương”.
Để khắc phục những tồn tại trên, thời gian tới, lực lượng kiểm lâm 2 huyện An Lão và Hoài Nhơn sẽ tăng cường công tác kiểm tra, truy quét trong rừng. Chính quyền địa phương tiếp tục duy trì, thực hiện tốt kế hoạch chốt chặn tại Trạm bảo vệ rừng Dự án Jica 2 (xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn) và chốt chặn tại Tiểu khu 6 (xã An Hưng, huyện An Lão) đến hết năm 2018. Đi đôi với công tác này, chính quyền 2 huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp đối với UBND các xã có vùng rừng giáp ranh nhằm giúp các địa phương chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. “Huyện cũng chỉ đạo Hạt Kiêm lâm huyện, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện phối hợp với các tổ chức hội đoàn thể ở các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân không bao che, dung túng, tiếp tay cho lâm tặc phá hoại rừng; tố giác kịp thời các hành vi xâm hại rừng với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện An Lão, nhấn mạnh.
Vùng rừng giáp ranh An Lão - Hoài Nhơn dài trên 25 km với diện tích đất có rừng gần 5.000 ha, gồm gần 2.400 ha rừng tự nhiên và hơn 2.500 ha rừng trồng. Trong đó, diện tích rừng dễ xảy ra xâm hại là rừng ở tiểu khu 1, 6, 15 xã An Hưng, tiểu khu 22 xã An Tân, tiểu khu 34, 44 xã An Hòa (An Lão) giáp ranh với tiểu khu 10, 16 xã Hoài Sơn, 23A xã Hoài Châu, 23B và 35 xã Hoài Phú, 30A xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn).
TRỌNG LỢI