Làm giả bệnh án tâm thần: Đừng vì tiền mà làm mờ y đức
Hành vi làm giả bệnh án tâm thần chẳng những vi phạm y đức của người thầy thuốc mà còn tiếp tay cho tội phạm công khai lộng hành
Nghề nào cũng cần đạo đức nghề nghiệp. Nhưng với nghề y thì y đức lại được đặt lên hàng đầu. Bởi đối tượng phục vụ của ngành y là người bệnh, được chăm sóc, chữa trị bằng tất cả tình thương và trách nhiệm của thầy thuốc. Nhưng với điều kiện, đó là người bệnh thực sự, chứ không phải là giả bệnh vì những động cơ đen tối nào đó được một số người mang danh thầy thuốc bao che.
Công an Hà Nội phát hiện đường dây làm giả bệnh án tâm thần (Ảnh minh họa)
Lâu nay, có một thực tế là trong một số vụ án hình sự, đối tượng phạm tội đã trưng ra một tờ giấy chứng nhận bị tâm thần. Các cơ quan tố tụng, dù nghiêm đến mấy cũng đành ngậm ngùi nhìn đối tượng gây án bỗng nhiên thoát tội. Còn người bị hại thì không khỏi bất bình khi kẻ thủ ác trong phút chốc đã phủi sạch trách nhiệm về những gì mình đã gây ra.
Tuy nhiên, lẽ đời, “lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt”, hành vi nấp sau bóng tối làm điều phi pháp không thể thoát khỏi ánh mắt cảnh giác của lực lượng công an. Từ việc Lê Thanh Tùng - một đối tượng cộm cán cầm đầu băng nhóm gây ra vụ án cố ý gây thương tích ở Hà Nội xuất trình bệnh án tâm thần phân liệt thể hoang tưởng hòng trốn tránh sự phát hiện, điều tra, xử lý của cơ quan chức năng, Công an Hà Nội đã xác định đối tượng này đã bỏ ra 85 triệu đồng để có được bộ hồ sơ bệnh án tâm thần với đầy đủ chữ ký, con dấu của Bệnh viện Tâm thần trung ương 1. Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng phát hiện có 78 hồ sơ bệnh án tâm thần được làm giả, trong số đó có 41 hồ sơ mang tên các đối tượng giang hồ.
Dư luận quả là có lý khi đặt nghi vấn về một đường dây chuyên làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần để trục lợi. Bởi như lời ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thì “Quy định về làm hồ sơ bệnh án cho người bệnh tâm thần hết sức chặt chẽ”. Còn một bác sĩ của Viện Sức khoẻ tâm thần Bệnh viện Bạch Mai thì khẳng định: “Việc làm hồ sơ bệnh án cho bệnh nhân tâm thần rất chặt chẽ. Cần thiết còn có cả hội đồng chuyên môn tham gia vào hội chẩn, khám lâm sàng để tăng chất lượng chẩn đoán khi kết luận bệnh nhân có bị tâm thần hay không. Bệnh nhân có hồ sơ bệnh án tâm thần còn phải có quá trình điều trị kéo dài chứ không phải ra viện ngay. Đặc biệt, với trường hợp liên quan tới các vụ án hình sự, sẽ phải thực hiện giám định điều trị chặt chẽ qua các bước từ tiếp nhận hồ sơ, giám định viên tham gia giám định theo dõi sát, ghi chép tỉ mỉ mọi diễn biến của đối tượng vào bệnh án theo dõi giám định...”.
Vì thế, dư luận xã hội chưa thể hài lòng khi chỉ có 2 đối tượng bị khởi tố điều tra liên quan đến hành vi gian đối này. Đồng thời hy vọng những khuất tất phía sau đường dây làm giả hồ sơ bệnh án ở Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 và một số bệnh viện khác sẽ được cơ quan chức năng làm rõ, trả lại sự công bằng cho mọi công dân trước pháp luật.
Kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần là một trong những hoạt động bổ trợ tư pháp, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và không thể thiếu trong bất kỳ nền tư pháp nào. Kết luận giám định đúng đắn sẽ giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử trong các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật, góp phần quan trọng vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, không xử oan người vô tội nhưng cũng không để lọt tội phạm, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Ngược lại, nếu bệnh án được làm giả, thì hành vi đó chẳng những vi phạm y đức của người thầy thuốc mà còn gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, tiếp tay cho tội phạm công khai lộng hành gây nguy hại cho cuộc sống nhân dân.
Hành vi ấy cần phải bị pháp luật nghiêm trị, không để tồn tại trong đội ngũ thầy thuốc chân chính những “con sâu” đã vì tiền mà lu mờ y đức./.
Theo Hoàng Mai Anh (VOV1)