Nuôi chó theo phong trào tiềm ẩn nguy hiểm
Gần đây, liên tục xảy ra những vụ chó tấn công người nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong như sự việc ngày 19.7 tại quận Ba Đình (Hà Nội), em bé 8 tháng tuổi bị con chó Ngao Tây Tạng nặng khoảng 40kg bất ngờ lao vào tấn công. Em bé đã được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay sau đó nhưng không qua khỏi. Những sự việc đáng tiếc này khiến người dân lo lắng về tình trạng nuôi chó ở nước ta.
Nuôi chó mà không... hiểu chó
Những giống chó dữ như: Pitbull, Doberman, Rottweiler, ngao Ý... ở một số quốc gia đã cấm nuôi và nhập khẩu. Chính phủ các nước này cho rằng, các giống chó này sẽ gây nguy hiểm cho cuộc sống của người dân và các động vật bản địa khác. Tuy nhiên, ở Việt Nam trào lưu nuôi chó dữ lại đang lên ngôi, dạo quanh một vòng trên các trang mạng xã hội, các nhóm yêu thú cưng, mua bán chó… có thể thấy những giống chó này được chào bán tràn lan, nhân giống đại trà tiềm ẩn nhiều hiểm họa.
Nhiều người nuôi chó dữ theo phong trào.
Anh Trần Văn Chiến, một người nuôi chó có kinh nghiệm ở Hà Nội cho biết, người chơi chó ngoại dữ dằn, hiếu chiến tại Việt Nam không ngừng gia tăng nhưng không mấy ai có thể hiểu được sự nguy hiểm tiềm tàng của chúng.
“Những dòng chó như Pitbull, Doberman, Rottweiler, ngao Ý… là chó săn, trông nhà, trang trại. Khi người chủ nuôi chúng từ lúc bé, thần kinh của chúng rất tốt, rất trung thành với chủ. Hiện nay, rất nhiều người mua lại những con chó đã trưởng thành, qua nhiều đời chủ, do đó chúng dường như không nhận biết ai là chủ, trở nên dữ dằn, khó bảo, dễ bị kích động… nhiều nguy cơ tấn công động vật khác, thậm chí con người”, anh Tiến chia sẻ.
Anh Nguyễn Đình Hòa, một người nuôi chó có kinh nghiệm khác tỏ ra lo ngại khi phong trào chơi chó ở Việt Nam gia tăng một cách tự phát. Nếu một người chủ nuôi theo phong trào, không có đam mê thực sự thì có ngày sẽ phải trả giá. “Đơn giản nếu chỉ nuôi bỏ đấy, hàng ngày xích lại, đến bữa cho ăn và cho đi vệ sinh, Pit Bull sẽ rất thiếu thốn tình cảm, lớn rồi bản chất thú tính dữ dằn ăn sâu, rất khó bảo và nguy hiểm.
Mua một con chó rất dễ nhưng để nuôi được một con chó thực sự rất khó khăn và kiên trì. Mình phải xem nó như người thân, như trẻ em trong gia đình, đưa nó đi dạo mỗi ngày, dành thời gian ít nhất 2 giờ đến 3 giờ đồng hồ để chơi với nó. Nếu để nó thiếu thốn tình cảm, không được dạy dỗ đúng mực chúng rất dễ bị dính lỗi thần kinh, tự kỷ, khó bảo… thậm chí tấn công cả chủ” - anh Hòa nói về kinh nghiệm bản thân.
Chó cắn người – lỗi của chủ nuôi?
Theo kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2018 - 2021, thành phố yêu cầu người nuôi chó phải đăng ký với UBND xã/phường/thị trấn; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm hoặc xích chó và có người dắt; nuôi chó tập trung phải đảm bảo vệ sinh thú y, môi trường...
Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y quy định, nếu không đeo rọ mõm cho chó khi đưa chúng đến nơi công cộng, chủ nuôi sẽ bị phạt nặng. Tuy nhiên sau gần một năm quy định được đưa ra, tình trạng chó thả rông và không rọ mõm vẫn diễn ra ở một số nơi công cộng như công viên, các khu chợ dân sinh, đường phố..
“Quy định thì đã rõ ràng nhưng thực hiện chưa nghiêm. Trước đây, Hà Nội từng vào cuộc rất quyết liệt đối với việc thả rông chó nhưng chỉ được thời gian ngắn xong dường như mọi chủ nuôi không tiếp tục tuân thủ. Chỉ có số ít chó đeo rọ mõm, còn phần lớn đều không tuân thủ, chó chạy tự do ngoài đường phố gây mất an toàn giao thông cho nhiều người”, anh Trịnh Văn Trường (Đức Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) cho biết.
Trao đổi với báo chí về trách nhiệm của người nuôi, GS. Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam cho hay: “Những vụ việc chó nuôi cắn người, một phần lỗi xuất phát từ ý thức của người nuôi do chưa tuân thủ đầy đủ các quy định. Nguyên tắc có chó là phải đeo rọ, phải xích chứ thả rông nơi công cộng là sai luật, cần phải quản lý chặt vấn đề này. Đồng thời, khi bị chó cắn người dân bắt buộc phải đi tiêm phòng bởi bệnh dại là bệnh chết người, không thể đợi chó chết mới đi tiêm”.
Trước tình trạng trên, thiết nghĩ, ngoài việc các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, có các biện pháp, chế tài pháp lý chặt chẽ về việc quản lý và nuôi thả đúng cách các loài chó dữ, nhằm khắc phục nguy cơ chính chó dữ gây nguy hiểm không những cho gia đình chủ nhân mà còn cho cả những người xung quanh thì chính người nuôi cũng cần có ý thức hơn trong việc nuôi chó.
Theo Tuấn Anh (PLO)