Festival gốm lần đầu tiên được tổ chức quy mô lớn tại Quảng Nam
Chiều 14.8, tại Công viên Đất nung, phường Thanh Hà,TP. Hội An (Quảng Nam) diễn ra khai mạc trại sáng tác Festival gốm Thanh Hà năm 2018. Đây là sự kiện mở đầu trong chuỗi hoạt động của Festival gốm Thanh Hà và lễ giỗ tổ nghề gốm lần đầu tiên được tổ chức quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Quảng Nam.
Các nghệ nhân, nhà điêu khắc tham gia trại sáng tác gốm tại Hội An
Trại sáng tác Hội họa và điêu khắc gốm năm 2018 có sự tham gia của hơn 30 họa sĩ, nhà điêu khắc đến từ các vùng miền nổi tiếng về nghề gốm. Các tác phẩm khi hoàn thành sẽ được trưng bày tại Công Viên Đất Nung Thanh Hà, TP. Hội An trong suốt kỳ Festival gốm diễn ra từ ngày 19 đến ngày 21.8.2018, lần đầu tiên được tổ chức quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Quảng Nam.
Tọa lạc bên dòng sông Thu Bồn thơ mộng, làng gốm Thanh Hà ở Hội An có tuổi đời đã ngót 500 năm, nổi tiếng với những sản phẩm gốm đất nung bền đẹp, từng được triều đình nhà Nguyễn đưa vào danh sách “thổ sản quốc gia”. Trải qua nhiều biến thiên của thời cuộc, làng gốm Thanh Hà có lúc tưởng chừng rơi vào quên lãng.
Công viên gốm Thanh Hà, Hội An
Tuy nhiên, với tâm huyết của một số nghệ nhân gốm Thanh Hà dần được phục hồi. Đặc biệt, từ khi UNESCO công nhận đô thị cổ Hội An là “Di sản văn hóa thế giới”, làng gốm Thanh Hà đã trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước. Cho đến nay, làng gốm Thanh Hà vẫn sản xuất thủ công với phương tiện và kỹ thuật truyền thống và trở thành một bảo tàng sống, một nguồn tư liệu quý giá về nghề gốm cổ truyền của Hội An nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Festival gốm Thanh Hà năm 2018 lần đầu tiên được tổ chức với quy mô lớn tại Hội An còn có những hoạt động trưng bày và giới thiệu sản phẩm các làng gốm truyền thống đến từ khắp các miền quê Việt Nam như: Phù Lãng, Hương Canh, Phước Tích, Lư Cấm, Bầu Trúc, Vĩnh Long... cùng các nét đặc trưng của chất liệu đa dạng từng vùng miền đến với người xem và du khách.
Trong những ngày diễn ra Festival gốm tại Hội An, dọc theo đường làng Thanh Hà sẽ được bố trí sắp đặt trưng bày những bức ảnh về con người, nếp sinh hoạt của người dân và tái hiện lại làng gốm xưa đã trường tồn 500 năm của Quảng Nam, thông qua các tác phẩm của Hội nhiếp ảnh Hội An, Đà Nẵng và Sài Gòn.
Theo Ngọc Khánh (TN&MT)